56.
Cha con tôi cùng nhau sửa sang lại nhà cửa sau con nước nổi. Cả tháng trời căn nhà như chìm trong nước, lá che chắn dưới chân nhà bị mục, nắng lên nó giòn gãy làm lộ ra phần bên dưới của căn nhà trong chẳng an toàn và đẹp đẽ tí nào.
Cha tôi hỏi anh Hai: “Còn đi bán bánh mì không?” Anh Hai ấp úng không dám trả lời rồi nói. “Nước nổi chẳng ai mua bánh hết. Mà ông bà chủ lò bánh không cho con lấy bánh nữa.” Nhạy cảm, Cha tôi nắm tay anh Hai trở lại cái lò bánh mì, hỏi thăm về những ngày buôn bán của anh khi Cha tôi xa nhà. Ông bà chủ lò bánh liền đem sổ nợ ra phân trần. Nghe đâu nợ lên nhiều lắm nên ông bà không cho anh lấy bánh nữa. Số tiền lớn, ghi chép nhiều trang. Hình như lúc đó Cha tôi không thể trả được. Giận quá ông bạt tai anh Hai ngay tại lò bánh mì, rồi kéo anh xềnh xệch ra khỏi lò. Trong một tâm trạng khủng hoảng tâm lý Cha tôi đánh anh Hai tôi rất mạnh, ông đá vào mông, vào mặt túi bụi rồi có lúc ông nhấc bổng anh Hai lên lại thả xuống vì giận dữ. Đi ngang cầu Nha Mân ông muốn ném anh thẳng xuống cầu cho khuất mắt. Ông cảm thấy anh tôi như một đứa trẻ hư đốn đã làm nên nợ nần trong lúc gia đình gặp nhiều khó khăn. Ông xem anh như một tội đồ cần phải trừng trị…. Hàng loạt trạng thái tức giận của Cha đổ dồn lên anh tôi trong lúc này. Khi anh em tôi đã lớn, nhớ lại chuyện xưa, Cha tôi đã kể lại câu chuyện này trong nước mắt.
Về đến nhà, anh Hai bị bắt quì gối xuống nền đất nổi vẩy rồng lổm chổm. Cha tôi lấy dây nịch đánh vào mông vào lưng đau lắm. Anh rơm rớm nước mắt mà chẳng thấy một tiếng kêu than. Bản chất của anh là biết chịu đựng từ khi bé, nên tôi thấy thương anh vô cùng. Tôi thương cho sự hy sinh của anh. Tôi thương cho sự nuông chiều mua đạn bắn bi, đồ chơi cho các em. Thương cho sự gánh vác buôn bán bánh mì, bánh kẹp của thằng em bị lỗ lã. Thương cho cái cứu đói các em trong mùa nước nổi ác nghiệt này. Có lẽ Cha tôi là người hiểu vấn đề này hơn ai hết. Rằng anh đã nợ ngập đầu là vì các em của nó mà thôi. Nhưng có lẽ ông đã giận chính ông, giận cái cuộc sống nghiệt ngã nhiều đổi thay này mà trúc cơn thịnh nộ lên đầu thằng con cả. Người anh bầm tím sau một trận đòn nghiệt ngã. Gia đình tôi bổng dưng sau đó im lặng đến khác thường. Cha tôi đã khóc, anh em chúng tôi cùng khóc.
Những ngày trở về nhà, Cha tôi suy nghĩ nhiều về cái được, cái mất kể từ khi đi dạy học trở lại: Trở lại với bục giảng cũng có nghĩa là trở lại với nghề nghiệp của Cha tôi trước đây. Ở đó ông có học trò, có giáo án, có nhu yếu phẩm, có đường, có gạo, có những thứ “người thường” không thể mua được nếu không phải là cán bộ, công nhân viên chức. Trở lại bục giảng thì các bản sơ yếu lý lịch của các con cũng có phần “sáng sủa” hơn khi Cha chúng giờ đây có nghề nghiệp đàng hoàng, cũng không phải là bần cố nông mà trước đây khi bí quá đành phải khai báo đại như vậy.Trở lại bục giảng cũng là cách ông cần phải làm để các con ông không phải mặc cảm về những cái nghề bán dạo của Cha chúng nó. Hàng loạt trạng thái tự vấn tràn về để rồi ông tự hỏi: Tất cả cái vỏ bọc trí thức trong thời điểm này để làm gì? Khi các con ông mỗi ngày có những tín hiệu học tập sa sút đi thấy rõ. Ông luôn phải xa nhà hàng tháng để cho chúng tự quản lấy nhau khi vốn và kinh nghiệm sống của chúng hãy còn quá non nớt trong cái cuộc sống nhiều biến đổi này. Chúng đang đối diện với bản năng sống hơn là sự hiểu biết của trãi nghiệm. Chúng còn quá nhỏ để có thể sống như những người lớn trong những lúc khó khăn.
Từ khi Cha tôi đi dạy học trở lại, các con ông được xã hội giáo dục những điều gì? Chúng bắt đầu biết nói dối nhiều hơn. Chúng biết sát sanh, trấn nước những con chó nuôi đến ngạt thở rồi treo lên giàn thui đen cho đến khi trụi nhẵn hết cả lông. Chúng biết đánh nhau trong tất cả mọi trường hợp. Chúng biết buôn bán, biết nợ nần, biết ế ẩm. Chúng biết la cà, lê lết với những viên bi từ đầu xóm đến cuối xóm…. Rồi còn điều gì nữa sẽ đến với chúng, nếu cái tình trạng đi dạy xa nhà này tiếp tục xảy ra? Ông nộp đơn xin chuyển về dạy trường cấp ba ở Huyện Châu Thành - Nha Mân với hoàn cảnh gia đình đơn chiếc nhiều lần nhưng chẳng có ai xét duyệt. Nghĩ đến các con, ông quyết định xin thôi việc ở trường Lấp Vò. Một lần nữa Cha tôi rơi vào trạng thái thất nghiệp.
Những cái đêm nặng nề đến ngẹt thở ấy lại bao phủ gia đình tôi. Đêm nghe tiếng con cú trên cây vú sữa kêu trong tĩnh mịch thấy buồn và não nề đến đứt ruột.
57.
Từ khi Cha tôi thôi dạy ở trường Lấp Vò, gia đình tôi rơi vào hoàn cảnh không có người lao động chính. Nhưng cuộc sống luôn có những điều kỳ diệu. Trong cái xui bao giờ cũng có cái may. Chuyện là có mấy cô giáo đồng nghiệp bày cho Cha tôi cái nghề bỏ thuốc Tây cho mấy phòng mạch tư nhân ở các chợ, huyện thị lân cận. Các cô bảo: “Thầy có vốn tiếng Anh làm cái nghề này thì hợp lắm”. Vậy là kể từ lúc khó khăn ấy, gia đình tôi chuyển hẳn sang một ngành nghề khác, mà nhờ vào đó cuộc sống gia đình tôi mỗi lúc một khá hơn. Tuy nhiên vốn ít, mối lái ít nên công việc cũng tàm tạm không dư, không thiếu, đủ để ổn định gia đình tôi trong thời gian này.
Căn nhà tôi có vẻ ấm áp hơn trước đây. Chúng tôi phải trả bài thuộc lòng cho Cha tôi mỗi tối. Tiếng đọc bài của anh em chúng tôi theo lượt thay phiên nhau vang lên trong căn nhà nhuộm vàng ánh đèn dầu. Chúng tôi không còn cái cảnh lê la đầu đường xó chợ, không còn cái cảnh đánh nhau vì những viên bi.
Cha tôi thấy cái nghề bỏ thuốc Tây này thích hợp với ông. Ông không phải mất quá nhiều thời gian để xa nhà mà lại có tiền rủng rỉnh có thể mua thêm truyện tranh cho các con. Nhưng vì cái công việc này hồi đó không được công khai, cho nên phải kín đáo và trông như những con buôn lậu lắm. Cha tôi bắt đầu mỡ rộng địa bàn, ông sang những phòng mạch các tĩnh lân cận như Vĩnh Long, Long Hồ, Sa Đéc để tìm thêm bạn hàng…. Sáng ông quẩy túi đi, đến chiều thì Cha tôi tranh thủ trở lại nhà để kịp dò bài các con, trước khi chúng đi ngủ.
Những ngày cận Tết, để tăng thêm vốn cho việc bỏ thuốc Tây, Cha tôi lấy lịch treo tường, truyện tranh ở mấy nhà sách lớn ở Sa Đéc đem về trãi ở mấy cái chợ Huyện Thị gần đó để bán. Hồi đó tôi theo Cha tôi đi bán mấy thứ văn hóa phẩm này vào dịp cuối năm thấy vui và thú vị vô cùng. Tôi được đọc rất nhiều truyện tranh mà không phải mất tiền. Đọc xong, vuốt lại thẳng thớm bày ra bán tiếp, hết cuốn này đến cuốn khác, dù dưới cái nóng đến cháy da của thời khắc cuối năm.
Năm đó khá hơn những năm trước nhờ vào việc bỏ thuốc Tây “lậu”. Cha cho tất cả anh em chúng tôi trở về Sài Gòn thăm Nội. Anh em chúng tôi mừng lắm, ngồi xé lịch để mong mau được trở lại Sài Gòn. Chúng tôi trở lại Sài Gòn sau một ngày chuyển đổi nhiều xe, đến chiều thì xe đổ bến ở Xa Cảng Miền Tây. Cha tôi đón xe xích lô máy để về nhà Nội. Cái cảm giác ngồi ở mũi xe xích lô máy như những trò chơi cảm giác mạnh vậy, thú vị và khó quên lắm. Vì rằng cái thùng xe được thiết kế chồm ra phía trước, nó quơ qua, quơ lại như húc vào những người đi đường khiến cho ta có một trạng thái vừa hòa nhập với cảnh vật xung quanh, vừa như được động cơ đẩy ta về phía trước, cảm giác đôi khi thấy sờ sợ, nhưng thú vị vô cùng. Toàn cảnh thành phố trôi qua trong mắt chúng tôi sau bao ngày gặp lại. Chúng tôi ngơ ngáo đúng theo nghĩa “dân dưỡng” mà đám con nít thành thị thường ví dân quê như vậy. Không lâu sau, nhà máy điện Chợ Quán đã hiện ra trong lúc thành phố lên đèn. Anh Hai nhận ra hình ảnh quen thuộc thốt lên: “Đến nhà Nội rồi”. Cả nhà chờ đò ở Bến Chương Dương để sang Bến Vân Đồn về nhà Nội ở bên kia Quận tư.

Cám ơn, hình ảnh vay mượn trên google
Gần Tết, không khí Sài Gòn trở nên tấp nập ở mấy tiệm giầy dép, quần áo. Tôi nhớ dạo đó cái mốt của thời kỳ này là áo thun có in hình ảnh bằng chất liệu nhựa, quần thì nhiều túi, dép sa bô dày cả tất. Cha tôi lần lượt chở từng người một đi mua mấy đôi dép sa bô, những bộ quần áo mới hợp mốt đắt tiền thời kỳ đó. Anh em chúng tôi thích lắm, vì từ nay mình đã có áo mới thay cho cái áo sơ mi thun sờn rách bởi đánh nhau đã cũ kia rồi.
Những ngày về lại Sài Gòn, Cha tôi tranh thủ việc ghé sang chợ Tân Định để xem khu buôn bán thuốc Tây ở đây.
Những ngày Tết ngắn ngủi cùng các cô, các chú ở nhà Nội rồi cũng trôi qua. Chúng tôi về lại Nha Mân, khoe những bộ quần áo mới, với những đôi sa bô bóng loáng với những đứa trẻ cùng xóm. Mỗi khi đi học xong là ngay lập tức đem ra sông giặt cho thật sạch phơi khô để ngày mai có cái mặc đến trường. Còn mấy đôi sa bô bị sình lầy miền Tây làm khô mốc trắng phếch thì anh Hai bày cho các em lấy dầu dừa đánh bóng, làm mới chúng lại.
Ngày tiếp ngày trôi qua. Mùa giỗ tháng năm lại đến. Cái đám giỗ lớn nhất trong dòng họ nhà tôi. Ở đó sẽ có đông đủ bà con xa gần khắp mọi nơi đổ về. Thường sau một năm gặp lại, một đại gia đình chắc chắn sẽ có biết bao chuyện để nói, để tâm sự, để chia vui, giải bày…. Và rồi trong cái đám giỗ ấy có một sự kiện vô cùng quan trọng ập đến với anh em chúng tôi mà kể từ đó tôi bắt đầu có những khái niệm về Mẹ. Nó như một hành trang buồn theo tôi đến suốt cuộc đời, bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào mỗi khi tôi nghĩ đến.