Tuesday, April 29, 2008

Chùm ảnh ... Năm tháng tuổi thơ tôi

Nhân 30/04 Bé Chò nghỉ được những 5 ngày.... tha hồ cả nhà kéo nhau đi trốn nóng ở Đà Lạt. Tạm ngưng viết Năm Tháng Tuổi Thơ Tôi. Nên tôi post lại những tấm ảnh khi xưa xem lại cho vui. Ba mươi mấy năm trước ...hình hài là đây. Hehehehehe
Photobucket
Khi Cha tôi về dạy ở trường Kỹ Thuật 4 Vĩnh Long. Anh em chúng tôi đã tá túc căn nhà đơn sơ này một thời gian
Photobucket
Anh Hai làm "Họa sĩ" các em ngồi xem
Photobucket
Một cảnh vui chơi ở quanh nhà trọ ở Vĩnh Long
Photobucket
Anh Hai tôi chơi trò kiến trúc xây nhà thờ ngay trong ngôi trường Kỹ Thuật 4 Vĩnh Long. Chờ Cha tôi hết tiết dạy học. Sau lưng là chiếc vespa kỷ niệm những trận đòn ... trên xe. Hahahaha
Photobucket
Trong sân trường Kỹ Thuật Nông Thôn ...
Photobucket
Hình ảnh trong một chuyến về Sài Gòn thăm Nội
Photobucket
Con đường trước nhà ở Vĩnh Long
Photobucket
Hình ảnh nhà bà con ở Ba Kè
Photobucket
Cha và anh em chúng tôi 1973
Photobucket
Hình ảnh chụp chung với bà cố Ngọai ở Tam Bình khi Mẹ đưa anh em chúng tôi về thăm bà
Photobucket
Trên một chuyến xe đò trở về Sài Gòn
Photobucket
Bên cạnh Soeur phụ trách lớp mẫu giáo ở trường Thánh Ana. Ngôi trường đầu tiên của tôi tại Thủ Thiêm, Sài Gòn.
Photobucket
Bên ngoài cổng trường Thánh Ana
Photobucket
Sau khi làm thủ tục nhập trường Thánh Ana
Photobucket
Những dòng chữ của Cha tôi chú thích sau tấm ảnh trên
Photobucket
Ngôi nhà ở Phan Chu Trinh. Nơi chúng tôi có những tháng ngày sống ở Sài Gòn

Monday, April 28, 2008

Năm tháng tuổi thơ tôi (54,55)

54.

Về đến nhà tôi và anh Hai chẳng thấy anh Ba đâu. Đẩy cái cánh cửa sau cháy bếp, bì bõm nước tôi bước ra sau nhà. Một hình ảnh kinh dị đập vào mắt tôi. Như một hình nhân bị treo chỏng đầu ở cái cây xoài bị úng nước đã chết. Toàn thân nó như bị cháy đen xì, bất động. Bụng nó đã bị rạch một đường dài, những giọt màu đỏ cuối cùng đang nhỏ xuống mặt nước đã nhuộm màu của máu. Bên dưới có một chiếc thau đang chứa những thứ nhầy nhụa như ruột gan, phèo phổi gì đó. Cái cảm giác kỳ lạ đang dần chuyển động trong những mạch máu của tôi. Mặt tôi nóng rần lên. Cổ họng tôi như có cái gì đó làm nghẹn lại, rồi bùng phát … tôi đã nôn toàn bộ những gì đã ăn trước đó. Tay chân tôi rã rời như có kim châm. Tôi như bị choáng bởi cái hình ảnh vừa đau thương, vừa kinh dị đang diễn ra trước mắt. Con Dzệnh của tôi đã bị giết chết.

Tranh thủ lúc tôi và anh Hai không có nhà, anh Ba bị mấy người lớn xung quanh xúi giục làm thịt con Dzệnh. Anh nghĩ đến món thịt chó nấu chao mà những người lối xóm đề nghị. Trong lúc đói, anh thấy nó hấp dẫn quá liền cùng mọi người dí bắt con Dzệnh đem đi trấn nước cho đến chết.

Thật ra cái công đoạn làm thịt chó này ở miền Tây chẳng xa lạ gì với tôi. Bắt đầu là việc trấn nước cho đến khi con chó ngợp thở rồi đem đi thui lông, cạo sạch, mỗ bụng, chế biến món ăn… Những món ăn chế biến từ thịt chó nó ngon vô cùng. Sống ở vùng sông nước này lâu rồi mọi thứ cũng thấy quen, dù là những cảnh sát sanh đến man rợ. Nhưng không hiểu sao lần này không như những lần trước. Tôi có một cảm giác thật khác thường len lõi trong những mạch máu của tôi, nhịp tim cũng khác, hơi thở cũng khác. Phải chăng tôi đang chứng kiến hình ảnh một thành viên trong ngôi nhà này đang bị treo chỏng ngược lên cao xẻ thịt. Cái hình ảnh thoáng nhìn qua ấy vừa bi thương, vừa kinh dị lủng lẳng như hình nhân có tay, có chân đang bị treo cổ phía sau nhà.

Tôi khóc rống lên rồi chạy vào nhà đóng cái cửa bếp lại. Anh Ba tôi nói với mấy người lớn… “Kệ nó, nó khóc thì không cho nó ăn”. Rồi họ hì hục mổ xẻ con chó Dzệnh nhà tôi. Anh Hai tôi vào nhà ném cái bao bánh mì lên nơi khô ráo rồi nói với cái thằng em đang thu người trên chiếc giường khô ráo rằng: “Mấy đừng khóc nữa có được không? Mai mốt tao xin cho con chó khác”. Rồi anh ra hiên nhà xem mấy người lớn tranh nhau cổ phần.

Đến tối khuya món Chó nấu chao cũng đã hoàn tất. Mấy người hàng xóm múc đem qua cho anh em chúng tôi một nồi nhỏ có đường kính cở hai gang tay trẻ con. Anh Hai lấy bánh mì trong túi ra phân phát cho các em ăn với món chó nấu chao, thật là hết ý.

Tối khuya, sau cơn ói mửa, bụng cồn cào, tôi đói kinh khủng lại thêm cái mùi vị thơm ngon từ món thịt cầy. Anh em chúng tôi ăn một cách ngon lành. Chỉ một thoáng cái nồi nhỏ sạch bóng không còn lại dấu vết. Nói là sợ cái cảnh con Dzệnh bị “treo cổ” nhưng đến khi ra thành phẩm thì cũng ăn sạch bách. Quả là trẻ con… đôi khi “tôi bây giờ” cũng không thể hiểu nổi “tôi thời quá khứ”. Có lẽ để giải thích cho điều này khi lớn tôi chỉ có một câu trả lời đó là những năm tháng đó có một nồi chó nấu chao cũng đã là xa xỉ lắm rồi. Và có lẽ từ khi có ý thức, tôi đã không bao giờ ăn món thịt cầy này nữa. Nó như một cách gián tiếp để tôi không phải nhớ quá nhiều về một thời gian khó.

55.

Bánh mỳ ăn với chó nấu chao… nhoẵng cái hết sạch. Thật ra những ổ bánh mì hồi đó không lớn như bây giờ, lại thêm rỗng ruột vì nhiều bột nổi, cho nên đối với cái tuổi ăn, tuổi lớn của anh em chúng tôi thì có thấm tháp vào đâu. Vậy là chỉ còn một hai ổ. Anh Hai để lại cho các em cầm chừng trong những ngày tới. Rồi quên luôn việc đi bán để lấy lãi.

Con nước trở lại, dâng cao hơn trước. Anh em chúng tôi lấy tầm vong kê giường cho cao hơn. Rồi co cẳng suốt ngày trên đó nhấm nháp mấy khúc bánh mì còn lại. Kể từ lúc nước nổi cho đến nay, trường cho học sinh nghỉ học. Anh em chúng tôi chỉ có chơi, chẳng phải lo chuyện đến trường. Đường về từ Lấp Vò đến Nha Mân cũng bị ngập lụt, nên Cha tôi không thể đạp xe về thăm các con được. Anh em chúng tôi cảm nhận dần sự thiếu vắng người lớn trong nhà những lúc như thế này. Lúc đó ai cũng phải lo cứu lấy cây, vườn, cứu lấy gia đình mình thì đâu còn thời gian mà lo nghĩ đến những người xung quanh khác.

Ngày qua ngày, cầm cự với những ổ bánh mì còn sót lại. Anh em chúng tôi bắt đầu thấy mình đã thật sự biết đói. Chúng tôi không thể đi đâu, vì chung quanh toàn là nước và nước. Tôi đã khóc vì đói, rồi nó lan qua cả anh Ba. Tất cả anh em chúng tôi mỗi người một góc giường khóc thảm thiết trong cái đói. Chúng tôi đã từng làm quen với mùa nước nổi hàng năm, nhưng có lẽ năm nay khác hẳn mọi năm, chẳng có lương thực, chẳng có người lớn trong nhà, con nước lại dâng cao quá đến nổi không thể đi lại được.

Mợt buổi sáng không còn tiếng khóc, anh em chúng tôi đã mệt lã đi vì kiệt sức. Anh hai dự định nếu nước rút sẽ cố gắng tìm xuồng quá giang ra gặp ông chủ lò bánh mà xin nợ tiếp. Đến trưa, cơn đói lại tiếp tục hoành hành mà nước thì chẳng chịu rút xuống tí nào.

Đến trưa, một mũi xuồng đâm thẳng vào cửa nhà tôi. Cha tôi đã trở về. Nghe tiếng khóc của các con than đói. Ông giận lên rồi bảo: “Cho tụi mầy một lần đói cho biết”. Thật ra lúc đó ông đang nghĩ gì? Tôi nghĩ là ông đang có một trạng thái khác. Những lời nói đó chỉ là cách ông kìm nén cảm xúc mà thôi. Ông cám ơn một ông già cho ông quá giang xuồng về nhà, vì bây giờ nước đã ngập khắp mọi con đường rồi. Ông ném chiếc xe đạp, một cái bao nhỏ đựng bo bo sang một nơi khô ráo, rồi đi tìm dao bổ dừa làm món cốm dẹp. Đói, chúng tôi ăn cốm dẹp nước dừa cảm thấy nó ngon vô cùng, đến nỗi không còn một hạt nào trong chén.

Hồi đó lương thực thiếu thốn nên tôi thấy cái món ăn nào của miền sông nước này cũng ngon hết. Cho nên đến khi trưởng thành, tôi vẫn thích những món của miền Tây Nam Bộ là vậy. Có lẽ tôi đã thích không vì ẩm thực, không vì gia vị mà là vì cái tình cảm một thời tôi đã đối diện với cuộc sống thôn dã này.

Kề từ khi Cha tôi trở về, ngôi nhà tôi lênh láng nước nhưng lại cảm thấy an toàn hơn. Cha tôi gác mấy cây tầm vong lên trên những đòn tay, rồi thả mấy tấm vạt giường lên đó để ngủ. Vậy là khô ráo, anh em chúng tôi cảm thấy ấm áp vô cùng. Bo bo là một món thay thế lương thực trong những ngày tháng đó. Vì là giáo viên nên Cha tôi được mua bo bo theo cổ phần nhu yếu phẩm. Bo bo là một món ăn mỏi miệng chết đi được. Cha tôi bày cho anh em chúng tôi rút lá khô trên vách lợp nhà làm củi để nấu bo bo. Ông bảo nấu cho nó mềm dễ nhai, không bị mỏi miệng.

Chẳng bao lâu sau, con nước rút, để lại quá nhiều rác và lục bình khô chết trên sông. Mùa nước nổi năm đó đã cho tôi quá nhiều kỷ niệm. Nó là vốn sống, là hành trang vào đời của những đứa con tha phương về vùng đất mới.

Sunday, April 27, 2008

Năm tháng tuổi thơ tôi (50,51,52,53)

50.

Cái áo thun đi học duy nhất của tôi bị bào mòn sắp rách sau cuộc ẩu đả nhau. Tôi buồn lắm vì trông nó có vẻ củ và xấu đi nhiều. Tôi ra sàn nước cạnh nhà đổ xà bông lên lấy bàn chải cố chà cho nó trở về cái trạng thái củ, nhưng không thể được, nó đã bị sờn chuyển màu xấu đi. Cộng thêm mấy cái chấm li ti của bình mực văng tung tóe trong lúc giằng co ở lớp. Tôi buồn lắm đem áo đi phơi, chờ khô xem nó có trở lại trạng thái ban đầu hay không.

Trong lúc rãnh rỗi chẳng có việc gì thì cả cái xóm ồn ào nhốn nháo hẳn lên, người ta nói với nhau về chuyện có một nhà ngoài lộ vượt biên. Lúc đầu tôi cũng chẳng hiểu vượt biên là gì, sau hỏi đi hỏi lại mới hiểu vượt biên là bỏ nhà đi ra nước ngoài mà sống. Nhà trống, không chủ, ai muốn vào lấy gì thì lấy. Thằng Đen chạy sang rủ anh em chúng tôi đi “giật đồ”. “Giật đồ” đó là cách nói của nó, chứ thật ra đó là đi hôi của thì đúng hơn. Chúng tôi kéo nhau ra lộ. Với cái lưng trần tôi mơ đến một chiếc áo trắng vải ka tê bỏ lại của một đứa con nít nào đó cở tuổi tôi. Chỉ một chút tham vọng ấy thôi cũng khiến tôi chạy như bay qua mặt hết đám người kéo nhau đi hôi của ấy rồi. Ra đến nơi thấy rất đông người vây quanh căn nhà đó. Lợi dụng hình dáng nhỏ, tui chui qua những kẻ hở của mọi người còn bỏ trống. Tôi đã nhìn thấy rõ căn nhà tường trông có vẻ giàu có này. Cánh cửa mở toang, từ trong nhà những người đeo súng bước ra khép cửa lại , họ dán lên giữa hai cánh cửa một tờ giấy mỏng có con dấu mộc đỏ. Tôi nghe người lớn nói với nhau trong tiếc nuối: “Công An đã niêm phong rồi”.

Về sau có nhiều căn nhà ngoài lộ vượt biên hơn. Tôi mơ có một chiếc áo trắng từ chuyện hôi của, của một căn nhà nào đó. Với cái ước mơ bé nhỏ ấy khiến tôi ngày nào vào lớp cũng dò la tin tức xem có nhà nào đó vượt biên không? Có thể những chú Công An không thích những căn nhà ngoài lộ vượt biên, họ cho đó là tội phạm. Nhưng với tôi thì ngược lại, tôi thích họ vượt biên, vì như vậy, biết đâu tôi sẽ tìm thấy một chiếc áo trắng thay cho cái áo thun củ của tôi đã rách. Nhưng mỗi khi hay tin có nhà vượt biên, ra đến nơi thì căn nhà ấy đã bị niêm phong rồi.

51.

Ước mơ về chiếc áo mới không thành, đâm nản, tôi xin anh Hai cho tôi đi bán bánh mì với anh vào mỗi tối. Anh lấy bánh chia cho tôi một ít rồi phân công người bên này sông, người bên kia sông để đở phải giành khách của nhau. Lúc mới khởi hành tôi còn nhút nhát đành huýt gió rủ con chó Dzệnh theo cùng cho có bạn. Tôi chưa biết cách rao bán, nên cứ nghe tiếng rao bên kia sông cất lên, thì bên này tôi mới dám mở miệng đáp trả. Cứ bên kia rao nghe xa xa, bên này đáp trả nghe thật gần. Song hành hai tiếng rao, hai bờ sông nghe cũng vui tai lắm. Tôi còn nhát lắm nên men theo sông mà đi không dám rẽ vào những cái hẻm tối sợ lạc đường, cho nên những người làm đồng muốn mua cũng thấy ngại. Không bán được, tôi đem bánh về làm món bánh hấp như mọi khi. Anh Hai bảo “Mầy không bán bánh mì được đâu. Mai theo tao ra chợ lấy bánh kẹp mà bán”.

Hôm sau ra chợ, anh lấy cho tôi ít bánh kẹp rồi tìm một góc chợ mà bán. Bánh kẹp bị mưa mềm nhũm ra, ế. Tôi đem nguyên rỗ bánh kẹp về … anh Hai la cho một trận vì lỗ lã quá nhiều. Tôi biết mình chưa thể làm cái công việc giống ông anh được nên không dám xin đi bán nữa.

52.

Sông như thưa vắng lục bình. Nước từ đâu đổ về mỗi lúc một nhiều hơn. Chỉ ít hôm nước đã ngấp nghé những con đường làng. Lúa chết, người nhà nông hoảng hốt lo đi cứu lúa. Vườn cây bị ngập úng, mọi người lo đi cứu vườn. Việc buôn bán bánh mì của anh hai mỗi lúc một gặp khó khăn hơn. Bánh bán ế liên tục, đêm nào trở về anh cũng gọi các em thức dậy để chế biến món bánh mì nướng hay hấp gì đó.

Con nước chẳng tha thứ mỗi lúc một dâng cao hơn. Nó tràn lên cả bờ, ngấp nghé ngạch cửa nền nhà tôi. Nó tràn phủ kín cái sân rộng nhà cô Hai Lùn. Anh Hai tôi gặp khó khăn trong việc buôn bán vô cùng. Từ khi nhỏ anh đã có cái tính kiên trì, chịu đựng và hơn hết là biết im lặng dù trong những hoàn cảnh khó khăn nhất. Anh tăng thời gian bán bánh mì nhiều hơn để mong sao níu kéo, bù đắp cho những ngày ế ẩm. Thế nhưng anh càng cố gắng, nợ nần càng lúc càng nhiều hơn. Cho đến một ngày nọ chủ lò bánh mì không cho anh lấy bánh bán theo kiểu gối đầu nữa. Anh buồn quẩy túi vải trở về nhà trong một trạng thái khó diễn tả. Từ xa chúng tôi nhìn thấy anh trên con đường làng ngập nước. Anh cúi gầm mặt, chẳng nói gì, đá tung bề mặt nước đang lấp sấp dưới chân anh.

53.

Một buổi sáng thức dậy, đặt chân xuống đất, chẳng thấy đất đâu chung quanh nhà tôi ngập tràn nước. Anh em chúng tôi chạy tìm những đôi dép của mình đang lềnh bềnh đâu đó. Cái bếp đất nhà tôi mềm nhũm ra vì ninh nước đêm qua. Cũi ướt, gạo ướt…. điều gì xảy ra với bọn trẻ khi Cha tôi vắng nhà trong thời điểm khó khăn này.

Năm đó, có lẽ là năm này tôi không thể nhớ một cách chính xác tuyệt đối cơn lụt lịch sử quê tôi. Tôi chỉ biết rằng nước dâng mỗi lúc một cao hơn. Anh em chúng tôi lên nhà cô Hai Lùn xin mấy viên gạch thẻ để kê chân giường mà ngủ. Cứ mỗi ngày thức giấc thì thấy cái lưng của mình ươn ướt. Ngồi dậy lại thấy nước lại dâng cao hơn ngày hôm qua. Xuồng ghe bắt đầu đi cả lên bờ khi cần di chuyển. Nhà hết gạo, hết củi, hết đủ thứ. Anh hai bày cho các em cái trò đi câu giăng. Anh ra cái tiệm tạp hóa gần đó mua nợ ít dây nhợ và lưỡi câu rồi về chẻ tre làm cần. Lên cái gò đất cao nhà bà cô Hai Lùn đào trùng làm mồi. Rồi đi cắm giăng khắp nơi dọc theo cái mương cạnh nhà tôi. Cá chốt lúc đó nhiều vô kể. Cứ cắm đầu mương đến cuối mương rồi đi trở lại thu hoạch cá là vừa. Cá chốt là một loại cá có ngạnh trông giống cá lăng nhưng nhỏ hơn nhiều. Ngạnh nó đâm vào tay thì nhức lắm. Anh em chúng tôi thu hoạch cá chốt nho nhỏ bằng ngón chân cái trẻ con, rồi về luộc lên mà ăn với muối ớt.

Photobucket

Thời gian đầu còn mượn gạo của nhà cô hai Lùn… nhưng đến một lúc nhà cô Hai Lùn cũng hết sạch gạo, cả cái xóm đó cũng không khá hơn nhà tôi là mấy. Tuy nhiên những đứa trẻ con khác cùng thời sẽ đở vất vả hơn vì chúng còn có ba, có mẹ.

Con nước xâm chiếm cả cái gò đất cuối cùng nhà cô Hai Lùn. Anh em chúng tôi không còn trùng làm mồi câu cá. Anh hai chế ra cái lồng che bằng thiếc, đặt cái đèn dầu hột vịt vào trong rồi đi soi cá đêm. Soi cá có nhiều cách, có thể dùng dao để chặt, có thể dùng chĩa căm xe đạp để ghim… Có nhiều hôm đi soi gặp phải rắn trung mà cứ tưởng là lươn vì đêm tối. Nhưng thường những tình huống như vậy luôn được con Dzệnh cảnh báo trước. Khi nhìn thấy, nó sủa um lên, chúng tôi kịp thời lấy dao chặt con rắn trung ra làm ba khúc.

Chúng tôi đi soi thường có con Dzệnh theo cùng cũng vui lắm. Chó miền sông nước như có một bản năng bắt cá. Chúng bơi giỏi, chịu đựng nước tốt lại chính xác vô cùng. Mỗi đêm bì bỏm đi soi cá tôi thấy rất vui vì được nghịch nước, chứ còn bảo đó là ý thức sinh tồn, siêng năng lao động thì tôi cũng xin thưa rằng không bao giờ chúng tôi sớm có được cái ý thức ấy. Cho nên cá câu giăng, đi soi được nhiều nhưng lại không biết chế biến món ăn, lại không có củi lửa….nó ương lên… sau đó đem đi đổ. Rồi ngày nào cũng giống ngày nào, cái công việc làm phải làm còn ăn thì không, hoặc qua loa cho có lệ là chính.

Sau mỗi đêm thức dậy, mực nước lại dâng cao hơn. Nhà chúng tôi không có xuồng để đi lại như những gia đình khác. Anh em chúng tôi nhảy xuống thì nước đã ngập đến cổ rồi. Thấy vậy chúng tôi leo lên lại giường. Việc chống chế với thiên nhiên trong thời khắc này đúng nghĩa là “đèn nhà ai nấy sáng”. Chúng tôi chịu đựng cho con nước rút. Nhưng không, nó thật lì lợm vẫn đứng yên nơi đó. Mỗi khi có một chiếc ghe máy nào đó chạy ngang qua thì những con sóng nhanh chóng ập ngay lên những chiếc giường mà anh em chúng tôi sẽ ngủ.

Photobucket

Chúng tôi bắt đầu biết đói. Nhưng nước đã ngập cái ụ đất có nhiều trùng làm mồi cho cá rồi. Và nếu có thì cũng chẳng còn bờ đâu để cắm những chiếc cần câu. Mà một khi không chạm được mặt đất thì có nghĩa là cũng không thể làm cái công việc đi soi cá vào hằng đêm được. Cơn đói kéo dài một ngày, một đêm…không có một cái gì để cho vào bụng… cho đến trưa hôm sau thì nước rút.

Tôi và anh Hai kéo nhau ra gặp chủ lò bánh mì xin lấy bánh nợ thêm một lần nữa. Ông chủ lò bảo: “Nước nổi, có ai thèm mua bánh mì đâu mà bán?” bà chủ lò lại đệm thêm vào “Bảo Cha mầy trả nợ củ đi, tao mới cho mầy nợ mới”. Lì lợm, anh em chúng tôi như ăn vạ, ngồi mãi đến chiều. Ông chủ lò bánh thấy vậy cũng chạnh lòng. Ông đến cạnh lò với lấy một cái bao bẹp dúm như nó đã nằm yên đây từ trước đó rồi đưa cho anh Hai tôi. Ông bảo: “Đây là lần cuối”. Tôi và anh Hai ra khỏi nhà ông liền mở bao ra xem, rồi đếm đi đếm lại nhiều lần cũng chỉ có mười ổ bánh mà thôi. Mùi bánh còn nóng bay lên, bốc vào mũi tôi thật khó chịu, tôi bảo: “Cho em một ổ nhé?”. Anh Hai không nói gì rút một ổ đưa cho tôi. Lưỡng lự… anh lấy thêm một ổ nữa rồi cùng nhau hưởng thụ sau những ngày đói lã.

Hai anh em dò dẫm đường về nhà bị ngập nước. Những cái hố to, những chiếc cầu khỉ bắc ngang mương đã bị con nước làm mất dấu. Chậm chạp, khó khăn anh em chúng tôi dò dẫm đường về nhà. Vừa đi, vừa ăn bánh mì mà lòng thầm nghĩ: Không biết giờ này anh Ba đã ra sao, có lẽ anh ấy đã đói lã sau hai ngày dài không có gì bỏ bụng.

Năm tháng tuổi thơ tôi (49)

49.

Khi tôi vào lớp ba, có nghĩa là một năm đã trôi qua và tôi đã lớn. Áo quần chật và cũ dần đi. Anh Hai đưa quần đã mặc năm trước cho tôi. Quần rộng, tôi không mặc vừa với kích cỡ to lớn hơn đến bốn tuổi của anh. Tôi “sáng tạo” ra cái dây bẹ chuối phơi khô làm cái thắt lưng. Cái thắt lưng có một lỗ thòng lọng, đầu còn lại là một thắt gút… hai bên móc vào nhau vừa với cỡ bụng thì trở thành cái dây nịch thật tuyệt vời, làm cho quần áo trở nên vừa vặn hơn. Mỗi khi đi học tôi kéo cái vạt áo che đi cái dây nịch sáng tạo ấy để đỡ quê với bạn bè.

Một hôm có bài kiểm tra nhanh ở lớp, mấy thằng con nít lanh lẹ ngoài chợ lại tiếp tục cóp bài của tôi. Ngồi cạnh tôi có thằng mắt hí. Bài tôi sao, nó chép nguyên như vậy. Thầy so bài thấy cả hai giống nhau như đúc liền cho hai cái hột vịt to tướng, cho cái tội thông đồng cóp bài lẫn nhau. Tôi ấm ức lắm nhưng cố gắng im lặng mà chịu đựng vì biết rằng cái đám hội đồng ngoài chợ này đông lắm. Về sau mỗi khi làm bài kiểm tra tôi luôn che kín không cho cái thằng mắt hí cạnh bàn xem bài nữa. Nó tức lắm chơi trò lén nhổ nước bọt vào bình mực của tôi. Nhiều ngày đi học, bình mực chương lên, hôi lắm. Theo dõi và để ý, tôi phát hiện. Như một trạng thái bị dồn nén bao ngày, tôi giận lắm, lấy nguyên lọ mực ập vào mặt nó. Nó lấy tay đỡ, mực vây bắn ra cả hai chiếc áo. Cả hai đứng lên định lao vào nhau thì liền lúc đó tiếng trống hết giờ chơi nổi lên. Thầy trở lại lớp, chúng tôi đành phải ngồi xuống đóng vai… “con ngoan, trò giỏi”. Vậy là cuộc chiến tranh âm ỉ hình thành ngay trong giờ học.

Tiếng trống tan trường vang lên, nó kéo bè đảng vây quanh tôi. Nó tiến về phía tôi với bầy đàn hộ tống. Nó lấy ngực hích vào tôi khiêu chiến. Tôi thấy mình yếu thế nên đành lủi đi, định kiếm đường chuồn. Nhưng một thằng trong đám bạn của nó chặng tôi lại. Tôi bị bao vây, chúng khoái chí cười ha hả. Thằng mắt hí ngồi cạnh tôi mỗi ngày, nên nó hiểu được nổi mặc cảm dây nịch bụng của tôi. Nó cười nhạo báng rồi bảo: “Ê tụi bây, tao cho tụi bây xem cái này vui lắm”. Nó nhanh tay kéo cái áo che bụng của tôi lên. Một chiếc “nịch” bằng dây chuối khô thô kệch lộ ra bên dưới. Đám con gái xung quanh thấy vậy cười ầm. Còn lũ con nít chợ thì tăng thêm lời nhạo báng. Tôi vừa quê, vừa xấu hổ trước đám bạn bè, nhất là những đứa con gái cùng lớp. Tay chân tôi như run lên như có kim châm, mặt tôi bừng bừng như có lửa đốt, tôi không kềm nén được nữa… Tôi co tay đấm thẳng vào mặt thằng mắt hí, như tôi đã từng làm với thằng Mỹ đen trước đây. Máu lại chảy ra sau cú đấm… đám bạn của chúng rú lên rồi nhào vào nắm hai vai tôi xô về hướng thằng mắt hí. Nó bị chảy máu lại càng hăng hơn. Nó lao đầu húc vào bụng tôi, khiến tôi ngã lăn bốn chân lên trời. Cả hai vật nhau xuống nền đất lõm chỏm đá rồi đánh nhau túi bụi. Nó mập mạp, nhiều thịt và nặng quá, tôi thất thế bị nằm bên dưới chống trả.

Anh Ba tôi tan học nhìn thấy thằng em mình bị đám con nít chợ vây quanh đánh, liền nhào vô bênh vực. Thế là lại thêm một cuộc chiến không cân sức khác tiếp diễn. Chúng vây đánh anh em chúng tôi, ép anh em chúng tôi vào giữa vòng vây. Ngay lúc đó thằng Mỹ đen cũng vừa ra khỏi lớp nhìn thấy. Không biết lúc đó nó nghĩ gì, chỉ biết ném cặp sang một bên nhào vô ẩu đã túi bụi bênh vực cho anh em chúng tôi. Thấy thằng Mỹ đen xuất hiện, đám con nít ngoài chợ dạt hẳn ra, nó không đánh loạn xạ như trước mà tạo thành một vòng vây xoay quanh chúng tôi. Trông ánh mắt của đám con nít chợ có phần nể nang thằng Mỹ đen lắm. Vì trong trường nó thuộc dạng vừa khỏe lại vừa liều. Đám con nít chợ gạt nó ra khỏi cái danh sách “được chăm sóc” cẩn thận từ lâu lắm rồi. Như có thêm đồng minh, anh em chúng tôi đứng lên, tựa lưng vào nhau không manh động. Học sinh tan học bu vào xem đánh nhau rất đông tạo thành một cái vòng tròn rỗng ruột ở giữa. Thấy đông người, mặt mũi lem luốc đầy bụi, tôi cũng chẳng thể nhận ra ai là “địch” ai là “khán giả” nữa. Tôi thiết nghĩ, chuyến này tiêu rồi. Thì liền lúc đó thầy tôi xuất hiện…. chúng tôi được giải vây trong an toàn.

Thầy chỉ can ngăn không đánh nhau nữa thôi, còn thì ai đúng, ai sai, ai bị khiển trách, kỹ luật thầy cũng chẳng đoái hoài. Ba chúng tôi sau khi được giải vây mừng lắm, co cẳng mà chạy, vì sợ đám con nít chợ đuổi theo. Một lúc sau mệt lã ngồi thở hổn hểnh dưới tán cây vú sữa bên đường mà xem lại tập vở, quần áo, chiến tích của mình. Đá trên nền đất ma sát làm trầy rách da tôi khá nhiều nơi. Những chấm li ti máu ứa ra dưới cùi chỏ, lòng bàn tay. Cái áo thun duy nhất đến lớp của tôi bị bào mòn sạm màu ở khủy tay như muốn rách. Người tôi bị lấm lem … trông bầm dập lắm.

Tôi xoay qua hỏi thằng Mỹ đen: “Mầy có sao không?” Nó im lặng lắc đầu. Lúc này tôi cảm thấy thương nó và biết ơn nó vô cùng. Sao nó lại nhào vào cứu anh em chúng tôi? Sao nó lại tốt với tôi như vậy? Sao nó chẳng biết căm thù tôi đã làm nó chảy máu mũi trước đây? Hàng loạt câu hỏi được đặt ra trong đầu tôi lúc đó. Rồi tôi tự giải thích rằng, nó cũng từng bị đám con nít ngoài chợ ăn hiếp, nên nó cần trả thù. Nó hay bị phân biệt chủng tộc nên nó cần giải tỏa. Nó muốn bênh vực những người cùng xóm với nó. Nó muốn làm lành lại với anh em chúng tôi… Nhưng có lẽ hơn hết, nó thấy anh em chúng tôi đang gặp khó khăn giữa một đàn “sói chợ”. Nó cần phải cứu giúp anh em chúng tôi trong lúc này.

Photobucket

Kể từ dạo đó tôi thân với cái thằng Mỹ đen ấy lắm. Tôi bỏ chữ Mỹ, lấy chữ Đen và gọi nó là Đen cho thân thiện. Mà nó cũng thích mọi người gọi nó như vậy. Rồi chúng tôi làm hòa chơi chung với nhau, đến trường cùng nhau, đám con nít ngoài chợ thấy vậy đâm ra ngán.

Sau này khi nhà tôi chuyển đi nơi khác, mỗi khi trở về thăm Cố đi ngang qua đó tôi hay tìm kiếm thằng Đen, nhưng nghe đâu nó đã đi đâu đó xa lắm rồi… Còn bây giờ? Chắc chắn nó đang sống bên Mỹ theo diện con lai cũng nên. Biết đâu những dòng chữ viết vội này cho tôi tìm lại được thằng Đen thời niên thiếu.

Saturday, April 26, 2008

Năm tháng tuổi thơ tôi (46,47,48)

46.

Chuyện tình của Cha tôi có lẽ kết thúc ở đây. “Xà bông Cô Ba” thỉnh thoảng chèo xuồng ghé sang hỏi thăm về Cha tôi. Nhưng rồi chúng tôi cũng chẳng rõ bao lâu thì Cha tôi lại về một lần. Hồi đó thông tin không như bây giờ, không diện thoại, không di động, chẳng internet, hay chát chít. Nếu có chuyện gì khẩn cấp lắm thì đánh điện tín cũng là xa xỉ lắm rồi. Mà cái điện tín hồi đó “quí” đến nổi chỉ chuyên sử dụng báo tin có người chết mà thôi. Tôi nhớ là như vậy.

Thời gian đầu, cứ mỗi tuần Cha tôi trở về mua gạo, gia vị bỏ lại nhà cho các con. Về sau hai tuần, ba tuần, có khi đến cả tháng ông mới về thăm các con một lần. Anh Hai phải biết nắm tiền, chi tiêu trong một tháng cho gia đình. Phải biết “tổ chức” việc đi tát mương bắt cá về làm món mặn, hái rau cải trời làm món canh, ra đồng đốn trâm bầu phơi khô làm củi. Cuộc sống cứ vậy trôi đều dưới sự phân công của anh Hai. Khi ấy anh Hai tôi vào lớp sáu. Cha tôi cảm thấy yên tâm nên hạn chế việc về thăm nhà vì đường xá xa xôi, đi lại thời đó cũng khó khăn vô cùng.

Lâu dần, “xà bông Cô Ba” cũng đâm nản, cô buồn bả quay xuồng trở lại sông… Tôi nhìn thấy những giọt nước mắt sau cái nón lá rộng vành của cô. Có thể tôi thấy yêu cô hơn trước đây dù chỉ là thương hại. Nhưng có lẽ Cha tôi đã làm đúng vì cái cảnh con anh, con em, con của chúng ta… biết giáo dục như thế nào cho chuyện chung, chuyện riêng này? Cha tôi đi dạy lâu ngày mới về. Hình như ông cũng muốn xa dần đi hình ảnh Cô Ba. Và có lẽ cái lần gặp gỡ ấy, là lần cuối cùng cô ghé thăm anh em chúng tôi.

47.

Về sau Cha tôi hai ba tuần, có khi đến một tháng mới về thăm nhà. Anh Hai bèn nghĩ ra kế làm lại cái nghề của Cha tôi trước đây. Anh trở năn nỉ với chủ lò bánh mì cho anh được lấy bánh kiểu gối đầu. Nghĩa là sẽ thanh toán sau khi bán hết bánh. Chủ lò bánh mì đồng ý, vậy là sau những giờ học anh quẩy túi lên đường, quyết cạnh tranh với ông “Nóng như Trương Phi, Giòn như pháo nổ….”

Ngày đầu tiên “ra nghề” anh bán rất đắt. Anh không cần những lời rao hoa mỹ, chỉ đơn giản “Bánh mì nóng giòn đây” với giọng rao đặc sệt con nít, là đủ ăn khách rồi. Cộng thêm cái dáng vẻ còn chút con nít của dân thị thành pha trộn trong thằng bé bán rong, khiến bà con cô bác dễ cảm tình mà mua cho nhiều bánh. Ngày nào thanh toán nợ ngày đó. Có lời, anh mua mấy cái bánh dừa về làm quà cho các em.

Mỗi tối anh đi bán ngang nhà, chúng tôi luôn bảo anh chừa lại một ổ cho tụi em nhé… Anh bảo: “Tụi bây toàn trù ẻo không hà”. Anh sợ nói như vậy sui, bị ế. Khách hàng quen thuộc của anh ngày một ổn định. Đêm nào trở về cũng hết sạch bánh. Kể từ lúc anh tôi ra nghề, cái ông “Nóng như Trương Phi. Giòn như pháo nổ” biến đi đâu mất. Anh Hai tôi chiếm lĩnh toàn bộ con đường này trên dưới năm sáu cây số gì đó. Buôn bán được là vậy, nhưng còn nhỏ nên cũng chưa biết cách quản tiền bạc trong nhà. Các em muốn ăn gì anh lại mua ngay, các em muốn chơi gì anh cũng chìu hết.

Sau một tháng, Cha tôi trở lại nhà, thấy các con học hành ổn định, lại bất ngờ khi anh Hai tôi biết đi làm thêm để cải thiện đời sống gia đình. Ông mừng lắm liền ghé sang cảm ơn ông chủ lò bánh mì, rồi gửi gấm anh Hai tôi cho họ. Mỗi lần Cha tôi trở về thì cái nhà của tôi im lặng đến đáng sợ. Thật dễ hiểu khi chúng tôi phải trở về với nề nếp và luôn tỏ ra mình là đứa “con ngoan, trò giỏi”. Đoạn đường dài nhiều ổ gà, trên dưới sáu mươi cây số gì đó cũng khiến ông mệt mỏi và dễ cau có với các con. Cho nên mỗi khi ông kiểm tra bài thì chúng tôi sợ lắm. Ở với các con vài ngày cuối tuần rồi ông cũng phải trở lại trường cho kịp giờ chào cờ buổi sáng. Trước khi đi ông hỏi nhỏ anh Hai tôi: “Mấy hôm rồi Cô Ba có ghé thăm không?” Anh Hai trả lời “Dạ có” lí nhí trong miệng. Ông không nói gì khiêng chiếc xe đạp qua khỏi ngạch cửa rồi ra đi. Và hình như kể từ dạo đó, Cha tôi và Cô Ba không còn gặp nhau nữa.

48.

Anh hai đi bán bánh mì hằng đêm, thấy có một nhà nọ có con chó cái mới sanh. Anh đợi nó mở mắt, xin một con đem về nhà nuôi. Giống chó lông vàng, vằn vện, cái mõ dài ngoẵn… Anh Hai đặt tên cho nó là con Dzệnh. Kể từ đó nhà tôi có thêm một thành viên nữa. Thỉnh thoàng đi tát đồng, soi cá đêm, hay đi mót cũi có nó đi theo cũng vui lắm. Nó như một người bạn thân trong gia đình tôi.

Anh Hai có tiền, mua mấy viên đạn (bi ve chai) cho các em chơi. Cứ mỗi khi đi học về là kéo nhau ra cái sân nhà cô Hai Lùn mà chơi trò bắn đạn. Thời gian đầu chúng tôi chơi bắt sát bị thua liên tục. Cứ mỗi lần thua là mất một viên bi. Nhưng về sau vì thua nhiều, nên phải rèn để mong gỡ gạc lại. Tôi chơi mỗi lúc một hay hơn và sở hữu số bi mỗi lúc một nhiều. Mấy đứa con nít trong xóm ghen tỵ. Có đứa thua nhiều quá đâm quạu rồi sinh sự với anh em chúng tôi.

Photobucket

Trong xóm có một thằng Mỹ đen (con lai) to cao và khỏe mạnh lắm. Cứ chơi mấy cái trò tán u thì nó là nhất, nhưng đến khi chơi bắn bi cần khéo léo thì nó lại thua. Một hôm nó bị tôi ăn sạch đến không còn một viên làm thuốc. Nó tức lắm gây sự đòi tôi trả lại số bi mà nó đã thua. Đám con nít trong xóm cũng a dua, xui tôi và thằng Mỹ đen đánh nhau, để chúng có cái coi. Dạo đó anh Hai hết đi học thì đi buôn bán nên ít khi có mặt ở nhà. Anh Ba thấy vậy chứ chết nhát lắm. Trong lúc chưa biết vịn vào ai để cầu cứu thì thằng Mỹ đen ỷ thế to cao, khỏe mạnh lại tiếp tục khích khích vào ngực tôi như thách đấu vậy. Đám con nít trong xóm hè nhau cổ động việc đánh nhau càng lúc, càng hăng hơn… Tôi thấy cái thằng Mỹ đen này có lẽ chẳng tha thứ cho mình. Với đôi mắt trắng dã nổi lên mấy cái mạch máu đỏ lừ, giận dữ cũng đủ nói lên điều đó. Nó thở phì phò vào mặt tôi. Hai tay nó nắm chặt lại hích sát vào ngực tôi như trấn áp đối phương vậy. Đám con nít la lối mỗi lúc một ầm ỷ hơn… Có đứa thì bênh tôi vì chúng cũng không thích thằng Mỹ đen này hay ăn hiếp chúng. Có đứa bênh thằng Mỹ đen vì nó sẽ giúp chúng đòi lại số bi bị thua…. Trong lúc đang gườm nhau tôi chợt nghĩ. “Phen này mình tiêu rồi”. Nhưng nếu đánh nhau với nó chắc chắn mình sẽ thua. Nhưng nếu bỏ chạy thì hèn quá. Vả lại đám con nít trong xóm này hay ăn hiếp anh em mình. Chúng thấy nhà chỉ có ba anh em, không có người lớn, nên chúng cũng hay bắt nạt lắm… Nghĩ đến đây tôi như mạnh mẽ hẳn lên. Không đánh thì nó cũng đánh mình. Chẳng những đánh một lần, nó còn đánh dài dài vì được nước. Vậy thì mình đánh trước, biết đâu có lợi thì sao. Còn nếu đánh không lại thì lúc đó bỏ chạy cũng còn kịp mà. Tiếng la của bọn trẻ quá khích mỗi lúc một lớn hơn… Bất thình lình, thật nhanh tôi đấm mạnh vào mặt thằng Mỹ đen. Nó không thể ngờ tôi có thể dám làm chuyện ấy. Không phản xạ, nguyên nắm tay tôi đi thẳng vào ngay chóp mũi của nó. Va đập như thế nào đó, nó lọang choạng. Đám con nít rú lên… “chảy máu…chảy máu….”. Nó vừa bị đánh bất ngờ, vừa bị đau nên lùi ra xa vài bước. Nó ôm mặt đầy máu chạy thẳng về nhà. Đám con nít nhìn tôi… im lặng.

Kể từ dạo đó mỗi khi gây nhau dù bất cứ nơi đâu, hoàn cảnh nào với đám con nít tôi cũng chọn giải pháp đánh nhanh, đánh trước. Nhờ vậy đám con nít trong xóm cũng nể nang cái sự liều mạng của tôi lắm. Bắn đạn giỏi, dám đánh nhau… tôi nhanh chóng được làm “đại ca” của đám con nít cùng lứa tuổi trong cái xóm nhỏ này. Chiến thắng chuyện đánh nhau được một lần, tôi tự tin lắm… nhưng người xưa thường có câu “Vỏ quít dày, móng tay nhọn”. Không biết lần đối đầu tới sẽ như thế nào nữa.

Friday, April 25, 2008

Năm tháng tuổi thơ tôi (43,44,45)

43.

“Ra đi, ta hẹn sẽ quên
“Ô ! Hay sao cứ quay về
“Nói nhỏ cùng em giặt áo
“Hẹn ngày sau sẽ nguôi ngoai….”

Về sau tôi rất thích những câu hát trong ca khúc này của Lã Văn Cường vì rằng cuộc sống từ khi còn bé của tôi cứ phải ra đi, rồi lại trở về…trong cái vòng lẩn quẩn mà không khi nào thấy có hướng tươi sáng, thay đổi phía trước. Không biết từ khi nào con người ta có ý thức, chỉ biết rằng tôi thấy sợ hãi sự ra đi, sự trở về trong cuộc sống bất ổn định thời đó của gia đình tôi đến như vậy.

Chuyện là căn nhà sàn cạnh dòng sông chợ Nha Mân phải trả về cho chủ của nó. Đời sống kinh tế miền quê bắt đầu gặp khó khăn cho nên chủ nhà cũng cần cho một y tá thuê giá cao mở phòng mạch. Ông giới thiệu cho Cha tôi một nơi có thể xin nhờ dựng nhà lên để ở. Nếu tính từ chợ đi về hướng nhà ông cố tôi, khoảng hai cây số rưỡi. Cha tôi không thể trả tiền thuê căn nhà này với cái giá mở phòng mạch, chúng tôi lại ra đi.

Theo định hướng, chúng tôi lại trở về phía bên kia sông nơi có nhiều kênh rạch. Ngoài này dân cư đông đúc hơn trong rạch Ông Đại. Nối các mương rạch với nhau bằng những cây cầu đúc. Nó cũng thuận tiện cho việc đến trường mỗi ngày của anh em chúng tôi. Cha tôi xin cất nhà nhờ trên đất của cô Hai Lùn. “Lùn” đó là cái tên xấu xí mà bà Bảy đặt cho cô khi còn bé để dễ nuôi…chứ cô ấy có Lùn đâu. Cô ấy là một mẫu người phụ nữ khỏe mạnh cao lớn đặc trưng Nam Bộ vô cùng.

Căn nhà lá được dựng lên, nằm trong cái vùng có nhiều nấm sáng, mà trước đây có lần đi xem cải lương, chúng tôi đã đi qua nơi đây. Cạnh nhà là một tán cây vú sữa to lớn đỗ bóng mát quanh năm. Vào đêm, có con chim cú vọ về tá túc trên tán cây vú sữa to lớn này. Tiếng kêu của nó vừa buồn vừa ghê rợn lắm. Những chấm sáng lại lung linh, trông như khu vườn cổ tích vậy. Mảnh đất của cô Hai Lùn rộng lớn, phẳng phiu với nhiều cây cau già thẳng tắp. Quanh miếng đất rộng được rào bằng những cây dâm bục tạo không gian. Cái sân rộng này thu hút rất nhiều trẻ con trong cái xóm quê tụ tập chơi nhiều trò thôn dã. Cũng nhờ cái sân này mà anh em chúng tôi có thêm rất nhiều bạn bè cùng tuổi chơi chung. Và cũng chính cái sân này đã xảy ra biết bao chuyện ăn thua, đánh nhau thời con nít.

44.

Người ta bảo an cư mới lạc nghiệp. mà nhà tôi mấy năm gần đây chẳng thấy an cư bao giờ. Lại thêm lùi xa xã có nghĩa là lùi xa “ánh sáng”(!). Không có điện cho nên không thể sản xuất nước đá làm nguồn thu nhập chính của gia đình. Nhưng thật may mắn khi Cha tôi còn có thêm cái nghề bán bánh mì. Việc buôn bán một mình một chợ ấy chẳng kéo dài bao lâu thì xuất hiện một tiếng rao mới, xuất sắc hơn, ấn tượng hơn. Câu rao đại loại như thế này.

“Bánh mì nóng giòn
“Nóng như Trương Phi
“Giòn như pháo nổ
“Thân tôi nghèo khổ
“Đi bán bánh mì”

Có một chút hài hước, có một chút thân phận, không khiến ông cũng thu hút hết khách của Cha tôi. Cha tôi bắt đầu gặp nhiều khó khăn bởi tiếng rao lợi hại này. Vậy là bánh mì ế ẩm bắt đầu xuất hiện trong việc buôn bán của ông. Mỗi khi bánh bị ế, Cha tôi luôn buồn bực, còn chúng tôi thì ngược lại, thấy vui lắm. Chúng tôi có thêm món bánh mì hấp, hay món bánh mì nướng mỡ hành ngon đáo để.

Từ khi dời nhà về đây sống, Cô Ba thường xuyên ghé thăm Cha tôi nhiều hơn dù là nước sông có ngược dòng chảy xiết. Bà Bảy mẹ cô Hai Lùn người cho Cha tôi mượn mảnh đất để cất nhà thấy vậy lấy làm chuyện không vui… liền ngày nào cũng ra sân chưởi xa, chưởi gần nghe đến nhức óc. Chuyện là Bà Bảy chủ đất cũng có ý định kết nối cô Hai Lùn con bà với Cha tôi. Vì cô Hai Lùn cũng đã ba mươi mấy bốn mươi rồi mà vẫn chưa có chồng. Thấy “Xà bông Cô Ba” vừa xinh đẹp, lại xuất hiện liên tục thì đâu có chịu để yên. Vậy là cả cái xóm nhỏ đó ai cũng biết chuyện tình tréo ngoe này … đôi khi chúng tôi cũng thấy quê quê mỗi khi có chuyện chưởi bới của bà Bảy bâng quơ đâu đó. Còn chồm xóm thì tiếng ra, lời vào bàn tán với nhau. Nào là Thầy Nĩ đẹp trai mà kết duyên cùng “xà bông Cô Ba” quả là xứng đôi, vừa lứa. Một bên ba đứa con, một bên bốn đứa thành ra con đàn, cháu đống đông vui. Người khác lại nghĩ khác rằng, Thầy Nĩ không đi dạy được mà gặp cái gia đình giàu có con một này cũng hay. Vả lại Cô Hai Lùn này chưa lập gia đình bao giờ nữa…. còn nguyên.

Ôi! Thôi cũng nhiều chuyện tám ra, tán vào lắm. Một bên là ân nghĩa cưu mang nơi để Cha con tôi cất nhà lập nghiệp, bên còn lại là do sự thổn thức của tiếng gọi con tim… tôi cũng chẳng biết Cha tôi cư xử như thế nào cho phải tình, phải đạo nữa.

Photobucket

45.

Một hôm Bà Ba (em ruột nội tôi) ghé thăm Cha tôi, chuyện qua lại giữa người lớn anh, em tôi nghe trộm được câu chuyện của hai người. Bà Ba hỏi Cha tôi:

-“Chuyện nhà cửa của mầy như thế nào rồi? Có tính bước thêm bước nữa không?”.

-“Lúc đầu có, nhưng bây giờ thì không” Cha tôi trả lời như vậy.

-“Vì con thấy Cô Ba con cái nhiều quá, chúng mà ráp lại với nhau chắc thành đám giặc, con sợ cái cảnh này trước đây với Mẹ Thông lắm rồi” Im lặng một chút ông nói tiếp:

-“Còn Cô Hai Lùn? Con chỉ quí Cô ấy và gia đình cô ấy mà thôi. Nhưng nếu Bà Bảy không thích thì con sẽ chuyển nhà đi nơi khác để sống”

Sau đó không lâu, Cha tôi nhận được giấy báo cần giáo viên dạy ngoại ngữ cho trường Lấp Vò thuộc tỉnh Đồng Tháp gửi về. Lấp Vò thuộc một Huyện của Đồng Tháp. Đi đường bộ trên dưới cũng hơn sáu mươi cây số gì đó. Nhưng lúc này Cha tôi như muốn phục hồi lại vị trí xã hội của mình. Ông đã thấy chán cho cái cảnh bán bánh mì ế ẩm bởi cạnh tranh, bán kẹo kéo dầm mưa dãi nắng, lại phải trốn đám bạn cùng lớp của các con, chán cái lưỡi liềm cứ thỉnh thoảng làm ông ứa máu. Ông muốn trở lại cái nghề yêu thích của mình trước đây là đứng trên bục giảng. Ông mừng lắm dù rằng con đường phía trước sẽ khó khăn với ông và các con ông vô cùng. Ông sẽ xa chúng cả vài tuần mới có thể gặp lại. Chúng phải biết tự quản với nhau trong thời gian đầu. Ông hy vọng đi dạy vài tháng cho quen việc, sau đó xin chuyển về trường cấp ba gần nhà sẽ tốt hơn cho việc chăm sóc các con. Hơn hết trong lúc này, ông cần phục hồi hình ảnh một con người trí thức trong chính bản thân ông.

Cái hạnh phúc được đi dạy trở lại nó lan truyền sang cả anh em chúng tôi. Cha tôi phân công anh Hai sẽ gánh vác công việc chăm lo các em, khi Cha vắng nhà.

Một buổi sáng, Cha tôi soạn lại những chiếc áo ka-tê, một ít sách văn phạm, một ít đồ nghề dạy học còn lại sau ngày 30/04 cho vào một cái túi vải. Ông ràn nó ra sau yên xe đạp, hôn các con… chia tay. Đã lâu lắm rồi anh em chúng tôi mới có lại cái cảm giác kỳ lạ này. Cái cảm giác ngừơng ngựơng chứ không sung sướng và hạnh phúc như trước đây. Có lẽ thông lệ ấy đã biến mất, có lẽ chúng tôi đã lớn… hay nói khác hơn chúng tôi đã là những thằng bé thôn dã từ lâu lắm rồi. Chiếc xe đạp xa dần trên con đường quê. Nắng đổ bóng lốm đốm, hình ảnh Cha tôi xa dần trong trắng xóa.

Wednesday, April 23, 2008

Năm tháng tuổi thơ tôi (41,42)

41.

Gần cuối năm học, Cha tôi hối thúc anh em chúng tôi chuẩn bị thu dọn đồ đạc để chuyển nhà. Chuyện là có một người bà con xa có một căn nhà ngoài chợ Nha Mân để trống, có thể cho Cha con chúng tôi tá túc. Căn nhà đó gần chợ, gần trường, lại có điện, nên việc làm nước đá trở lại để cải thiện đời sống kinh tế gia đình cũng thuận lợi hơn.

Anh em chúng tôi cắt nhiều bẹ chuối chẻ ra thành sợi, phơi khô, nhúng nước buộc tất cả những chồng sách, vật dụng cá nhân để chuẩn bị dọn nhà. Khi ấy tài sản gia đình tôi cũng chẳng có gì …toàn những thứ cũng không thể sửa dụng được như tivi, xe đạp, ba chiếc giường sắt, còn lại là sách vở nên việc chuyên chở cũng gọn nhẹ vô cùng. Tất cả được chất xuống một chiếc ghe tam bản là xong. Ngược dòng sông Nha Mân tiến ra chợ cho cuộc tìm kiếm nơi an cư mới.

Đến chợ Nha Mân, xuồng ghe nhiều vô kể đậu san sát với nhau ngập kín một đoạn của dòng sông. Tiếng người nói qua lại inh ỏi, rào rào chẳng nghe được nội dung chính là gì. Những đứa con nít ngoài chợ này, trông chúng lanh lợi kinh khủng. Chúng thoăn thoắt nhảy qua những chiếc ghe chào mời, mua bán cái gì đó tôi cũng chẳng rõ. Qua khỏi cái đoạn sông bị che kín bởi những xuồng ghe là đến căn nhà sàn cạnh bờ sông mà Cha con chúng tôi sẽ ở lại đó. Căn nhà có cửa chính nhìn ra sông nên việc chuyển đồ đạc lên từ dưới sông cũng là việc thuận lợi vô cùng.

Photobucket
xuồng ghe sông nước Nam Bộ. Cám ơn hình ảnh tìm thấy trên google.com

Bước vào bên trong, nhà sàn lót gỗ, sạch bóng mát chân, có điện, có tiện nghi…. Hơi nước từ dòng sông bốc lên dể chịu vô cùng. Như mọi khi, Cha tôi bố trí ba chiếc giường sắt vào ba góc nhà, ông tìm nơi để đặt chiếc tủ lạnh làm đá. Căn nhà sàn cạnh bờ sông, thật đẹp. Tôi cảm thấy yêu thích nơi đây vô cùng. Nó gần với chợ lại thuận lợi cho việc đến lớp của anh em chúng tôi hơn. Anh hai sẽ rút ngắn thời gian đi bộ bằng một cái vẫy tay quá giang xuồng qua sông là đến được trường cấp hai của xã.

Cha tôi bắt đầu trở lại với công việc sản xuất nước đá, đi bỏ cho mấy xe bán chè, xe nước mía ngoài chợ. Cuộc sống có vẻ ổn định hơn trước phần nào. Ông mua hồ sơ, khai lý lịch rồi gởi đi xin việc khắp nơi trong tỉnh và hy vọng rằng sẽ có nơi cần giáo viên, cho ông đi dạy trở lại.

Tôi và anh Ba chuyển ra trường gần chợ để học. Tôi lên lớp ba, còn anh Ba lên lớp bốn. Tôi nhớ cái bài học năm trước mà bây giờ các cô giáo trong lớp bắt phải ôn lại, đó là bài học thuộc lòng “Chia tay lớp hai”… với mấy cái câu “Lớp hai ơi! Lớp hai…” Cuộc đời tôi có lẽ có quá nhiều cái gọi là ấn tượng cho những cuộc chia tay cho nên từ khi bé tôi đã luôn có sự run động tới những gì chia cắt. Nó cứ man mác trong tôi mỗi khi cuộc sống này phải nói điều gì đó cho một hoàn cảnh phải chia tay. Khi đó tôi thích bài học này và học thuộc lòng nó đến trôi chảy. Còn thì bây giờ, năm tháng đã quá xa, tôi không còn nhớ đến bài học này nữa, chỉ duy có vài câu kêu gào thảm thiết về… “Lớp hai ơi! Lớp hai”…mà thôi.

Đám con nít ngoài chợ luôn là nỗi ám ảnh trong tôi. Anh em chúng tôi đến lớp luôn đi cùng nhau, về cùng nhau vì sợ bọn chúng lắm. Chúng hung hăng, lanh lợi lại sống theo “bầy đàn” hở có chuyện gì thì ào ào bè hội đồng mà ăn hiếp những đứa con nít cô thế khác. Chúng cóp bài mỗi khi có đợt kiểm tra, đứa nào ngoan ngoãn làm theo lời chúng thì mọi chuyện êm xuôi. Đứa nào chống cự hay gương mẫu quá thì ngay lập tức sau tiếng trống tan học chúng sẽ cho biết tay với kiểu “thanh trừng hội đồng”…kinh lắm. Anh Hai học trường khác, cấp hai bên kia sông, nên cũng không bảo vệ được các em mình. Biết vậy hơn hết anh em chúng tôi cũng nên cho mấy thằng đầu xỏ nghía bài kiểm tra để được an toàn lấy thân. Lớn lên nghĩ lại thấy hèn… nhưng có lẽ cái hèn ấy là hợp lý cho hoàn cảnh sống lúc bấy giờ. Phần thì tôi cũng chỉ là học sinh khá chứ không xuất sắc nên việc bị chăm sóc của đám con nít ngoài chợ cũng dễ thở hơn so với những học sinh giỏi khác.

Ngôi nhà mới ngoài chợ này cũng khiến cho anh em chúng tôi nhanh chóng thích nghi hoàn cảnh, môi trường. Anh em chúng tôi có phần lanh hơn trước, phải chăng chúng tôi bắt đầu giống đám con nít ngoài chợ? Bây giờ mỗi khi rãnh rỗi, chúng tôi đâu có đi mót củi như trước đây nữa, vì ngoài chợ này chẳng có vườn trâm bầu đâu mà đi làm công việc ấy. Chúng tôi chuyển sang việc đi câu tôm. Nghĩ lại với cái tuổi bé tí ấy đôi khi cũng liều lĩnh thật. Tranh thủ lúc Cha tôi vắng nhà, anh em chúng tôi mượn chiếc xuồng gần đó chèo ra giữa dòng, nơi có nước xoáy, chảy xiết để mà “hành nghề” câu tôm. Nước cuốn trôi mọi vật trong cái guồng quay đó dù là những bè lục bình lớn. Người ta bảo nơi nào có vòng xoáy nơi đó có nhiều tôm. Có hôm mưa gió lớn, làm nhổ neo xuồng, chúng tôi bị cuốn xoay trôi đi không đủ sức để kềm hãm lại. Phải cố xoay sở lắm mới có thể chèo được vào bờ. Mà thì câu tôm là một thú vui giải trí là chính chứ có được con tôm nào đâu. Về ngã bệnh, Cha tôi lại la thêm cho một trận vì bỏ bê bài tập ở nhà.

42.

Bỏ nước đá ban ngày, ban đêm Cha tôi tranh thủ đi bán bánh mì dạo ở những cái xóm xa chợ cũng cải thiện thêm đời sống gia đình kha khá. Tôi nhớ cứ mỗi chiều Cha tôi lại đến lò bánh mì gần nhà nhận bánh đi bán. Muốn cho bánh mì luôn nóng giòn, phải bỏ nó vào một cái bao giấy dầu rồi bên ngoài bọc lại bằng một loại bao vải, loại dùng để đựng bột mì, bánh sẽ nóng và giòn lâu hơn. Công việc này kéo dài một thời gian, mỗi khi Cha tôi bị mắc mưa thì chúng tôi được thêm món bánh mì hấp mỡ hành. Còn nếu ế thì có món bánh mì nướng mỡ. Có được những món ăn này thời đó cũng là xa xỉ lắm rồi.

Photobucket
Cám ơn hình ảnh tìm thấy trên google.com

Bà ba ghé nhà thăm mấy đứa cháu rồi nói với anh hai… “tụi bây sắp có mẹ rồi” nói xong bà cười mỉm với cái môi không hở màu cổ trầu. Tôi cũng có thể hiểu được rằng Cha tôi đang yêu. Một người phụ nữ trong tận thôn quê, nhà xa chợ Nha Mân phải trên dưới bảy, tám cây số gì đó. Chuyện là mỗi chiều đi bán bánh mì, ở vùng sâu, vùng xa, Cha tôi có quen một người đàn bà góa phụ, có những bốn đứa con. Đứa lớn nhất của cô bằng tuổi với anh Ba. Cô được mọi người gọi là Cô Ba. Cô Ba là một cách gọi theo kiểu xà bông Cô Ba thời đó. Vì cô có làn da trắng, mỏng không giống phụ nữ nhà nông. Cô có mái tóc dài đen bóng bởi dầu dừa. Cô có khuôn mặt sáng và trắng như … xà bông Cô Ba cho nên cái đẹp ấy được mọi người gán cho cái tên “Cô Ba” ám chỉ vẻ đẹp của cô là vậy.

Photobucket
xà bông Cô Ba. Cám ơn hình ảnh tìm thấy trên google.com

Bây giờ không khiến cái công việc vất vả bán bánh mì của Cha tôi trở thành có ý nghĩa vô cùng. Ông yêu cái công việc ấy (?). Chiều nào ông cũng tắm rữa sạch sẽ, chuẩn bị cho việc đi bán bánh mì giống như chuẩn bị đi dạy học trước đây. Ông xem nó như một việc không thể thiếu trông đời sống hằng ngày của ông. Và rồi hình như họ đã yêu nhau thì phải. Tôi thỉnh thoảng thấy cô chèo xuồng từ trong miệt quê ấy ra chợ, cặp xuồng vào nhà, thăm Cha tôi và ngược lại. Cô xinh đẹp lại góa bụa nên cô nổi tiếng trong vùng. Mỗi khi cô xuất hiện thì ai ai cũng nhìn thấy rồi bàn tán lời ra, tiếng vào. Những người trong xóm hay chọc ghẹo anh em chúng tôi bằng những câu đùa “Tụi bây sắp có má mới”… “Ba tụi bây sắp có xà bông Cô Ba để tắm”… đại loại như vậy…. Chúng tôi mắc cở và cảm thấy ngường ngượng mỗi khi nghe bà con tám với nhau như vậy.

Một hôm trong giờ chơi, có một thằng con trai lớp khác khoảng tuổi anh Ba, tiến về phía chúng tôi. Nhìn ngắm anh em chúng tôi một hồi rồi nói: “Ba mầy cưa má tao”. Và kể từ đó tôi hiểu rằng nó là con lớn của Cô Ba. Chúng tôi phát hiện chuyện thằng con trai đầu của cô học chung trường với anh em chúng tôi. Nó học khác lớp, nên mỗi khi ra chơi chia phe chơi trò “chém lộn” (một cách chơi chia phe đánh nhau ở miền quê). Nó cũng hay xin gia nhập phe khác để “chém lộn” với chúng tôi. Mỗi khi đánh nhau thì thường chơi mạnh hết tay… ai yếu thế thì người đó đành phải chịu đau vậy. Nhưng với nó thì khác, nó cố tình làm đau người đau tôi như để trả thù cho chuyện gì đó… nên mỗi khi tan học trở về nhà, trên người chúng tôi hay có những vết bầm vì trò chơi bạo lực khi nhỏ.

Căn nhà sàn cạnh bờ sông Nha Mân mà chúng tôi yêu thích này chẳng kéo dài được bao lâu thì phải trả lại cho chủ của nó. Lại thêm một lần nữa anh em chúng tôi phải nói lời chia tay…. Ra đi.

Năm tháng tuổi thơ tôi (39,40)

39.

Theo Cha, tôi qúa giang một chiếc ghe xuôi chiều nước ra chợ Nha Mân. Cha tôi mặc một chiếc áo sơ mi sót lại thời ông còn đi dạy trông lịch sự lắm. Còn tôi thì giặt sạch cái áo đi học mặc để theo Cha về lại Sài Gòn. Có lẽ khi đó tôi còn nhỏ nên được theo Cha tôi về thăm Nội. Còn các anh lớn thì phải ở lại quê ăn Tết cùng ông, bà Cố.

Đến chợ Nha Mân cũng là lúc trời đứng bóng giữa trưa, Cha con tranh thủ ăn một tô hủ tiếu nóng ngoài chợ. Thật ngon và thật xa xỉ vì quá lâu rồi mới có cảnh cơm hàng cháo chợ như thế này. Sau đó cả hai cha con vào một tiệm cắt tóc cạnh lộ ngồi nhờ để đón xe. Hồi đó đồng quê thanh vắng lắm, cho nên ngồi trong tiệm cắt tóc cũng có thể nghe được tiếng động cơ xe đò đang đến gần từ xa. Mỗi khi nghe tiếng phành phạch xa xa, Cha tôi chạy ra ngoài vẫy vẫy tay để đón. Cứ hết chiếc này đến chiếc khác lướt qua, xe chở đông người, không còn chỗ nên họ chẳng thèm dừng lại mà rước thêm khách. Mọi người phải chen lấn nhau cho một vị trí đứng phía sau thùng xe, một vị trí cho tay nắm…Chen chút nhìn như một đàn ốc sên đang đeo bám lên một con rùa đang oằn mình di chuyển vậy.

Photobucket
Một cảnh đi xe đò ngày trước

Đến chiều, cái nóng của nắng dịu dần di, khách trong tiệm cắt tóc cũng thưa người mà vẫn chưa có xe để đi lên bắc Mỹ Thuận. Cha tôi vào bảo: “Xe chở đông người quá, con không có chỗ để ngồi, đeo bám như vậy nguy hiểm lắm. Con về lại nhà, ăn tết với mấy anh và Cố nhé”. Tôi gật đầu trong im lặng như đó là một sự tuân thủ bắt buộc vì không còn sự lựa chọn nào khác. “Đi sang mấy cây cầu khỉ phải cẩn thận nhé”. Cha tôi dặn dò thêm như vậy rồi vò đầu vỗ vào đít, đẩy tôi đi. Tôi xoay lưng đi thì ngay lúc đó một chiếc xe đò khác trờ tới. Không cần biết nó có dừng hay không, ông chạy theo rồi đu bám lên cái con rùa quá tải mà đi lên Sài Gòn. Thật khó khăn cho việc gói ghém hành lý và chỗ đứng, cho nên ông cũng không thể ngoái đầu nhìn lại thằng con của mình đang tự trở lại nhà trong buổi chiều chạng vạng. Tôi nhìn theo trong một nỗi buồn khó diễn tả, rằng tôi không được trở về thành phố thăm Nội và các cô của tôi. Rằng tôi sẽ trở lại nhà để nhận thêm nhiều việc từ sự phân công trên chỉ xuống dưới, dưới chỉ xuống dưới nữa của các anh tôi.

Tôi buồn bả quay đầu trở lại con đường mòn với những thân rễ cau già đầy nấm sáng. Con đường thời khắc này nó bình thường và khô nức đến xấu xí. Nó chẳng lung linh dạ quang như một bức tranh cổ tích mà tôi đã từng chứng kiến trong một đêm đi xem cải lương ngoài xã trước đây. Lặng lẽ, một mình tôi hái mấy cái nấm sáng đem về, hy vọng đêm nay sẽ có nhiều điều kỳ diệu trong lòng bàn tay của tôi.

Băng qua rất nhiều cầu khỉ cho đến một cái vàm rộng lớn, có một cầu khỉ dài nối liền giữa hai bờ đất, tay vịn của nó quá cao, tôi còn nhỏ không thể với tới được. Thật sợ hãi tôi chờ xem có người lớn nào đi ngang qua cho tôi bám theo sau với. Trời mỗi lúc về chiều, không một bóng người, tôi cũng thấy sợ cái bóng tối đang dần xuống, bao phủ cái khung cảnh quê um tùm nhiều bụi rậm. Quyết định tôi tự băng qua cái cầu khỉ dài đó. Chòng chành, cọt kẹt, nhún nhẩy, đàn hồi … thân tre dẽo lắc lư, tay vịn quá xa tôi không thể với tới, mất thăng bằng tôi rơi tỏm xuống nước. Dù là lúc này tôi đã biết bơi, nhưng trong một trạng thái bất thình lình khiến tôi vô cùng hoảng sợ. Hớt hãi, tay chân đập loạn xạ rồi cố gắng bơi vào bờ. Người ướt sũng, tôi chạy như bay hướng về nhà vì trời đã bắt đầu chuyển màu sậm tối.

40.

Tết năm đó Cha tôi về thăm Nội. Anh em chúng tôi ăn tết cùng với Cố. Chúng tôi được chú Ru Y cho mấy viên pháo chuột rồi ra sông đốt từng viên một ném xuống nước để xem nó nổ làm tung bọt nước lên. Tết năm đó tôi chẳng thấy gì vui ngoài những điều mới mẻ về cách ăn tết “hoành tráng” của vùng sông nước này. Tôi hay xuống nhà Cố để xem bà Ba xếp từng chiếc củ kiệu tạo thành hoa rất đẹp trong chiếc hủ thủy tinh. Xem chú Ru Y bơm đèn măng sông thắp sáng vào hằng đêm giáp tết. Hay phụ ông cố lau chùi những chiếc tô dĩa, ấm trà, bình rượu, lục bình …. Hồi đó tôi nhớ ông Cố tôi có một gia tài đồ cổ nhiều vô kể. Nào là bộ chén, tô ngọc khi rót nước vào sẽ thấy óng ánh ánh trăng bên dưới hay những chiếc bình mỗi khi chế nước tiếng kêu của nó ríu rít như chim. Rồi những cái lục bình mạ vàng, những chiếc đèn dầu đối trọng treo lủng lẳng giữa các gian nhà. Cứ mỗi khi có dịp trọng đại trong năm, ông mở tủ lấy ra những thứ ấy rồi cẩn trọng lau chùi, xuýt xoa thích thú lắm. Anh em chúng tôi phụ Cố lau chùi lại những bức tranh phong cảnh về con trâu đi cày, gieo mạ, nghề nông… theo kiểu vẽ mộc của người xưa trông cái khung cảnh ấy vừa thanh bình, vừa lãng mạn. Tôi thích những bức tranh này lắm. Sau này có lần về Cần Thơ đến một ngôi nhà cổ để quay chuyện cổ tích “Cây tre trăm đốt” cho Phương Nam Phim, tôi cứ đứng thẩn thờ ngắm nhìn những bức tranh theo kiểu vẻ mộc mạc này mà nhớ về căn nhà xa xưa một thời Cố tôi đã sống.

Photobucket
đèn măng song (một gia tài của người sông nước ngày xưa)

Những bức tranh thôn quê ấy bây giờ không còn trong đời sống đô thị nữa nhưng đó là một cách bày trí làm đẹp của người sống miền sông nước ngày xưa.

Photobucket
Chân thành cảm ơn hình ảnh đã tìm thấy vay mượn trên google.com

Mùng một đi chúc tết bà con quanh khu nhà ông Cố sống cũng nhiều vô kể. Anh em chúng tôi được lì xì một ít phong bì đỏ, được bao nhiêu tôi dành mua pháo hết để ra sông đốt cho vui. Khắp nơi bắt đầu xuất hiện những sòng bài chòm hỏm, bầu cua cá cọp, bài cào, lô tô… từng sòng, từng sòng một dọc theo những con đường mòn. Rồi ban ngày thì đi xem rạch trên, rạch dưới thi nhau đá gà. Xem xong, thì về nhà bà Cố, bà Mười mà ăn tết. Tết miền quê nhà nào cũng phải có một nồi thịt kho hột vịt lớn, bánh tét treo lủng lẵng, bánh tráng chứa đầy các cái lu, củ kiệu, dưa cải, trái cây ngập các bàn thờ. Hình như người ta dành để ăn cho thỏa sức sau một năm làm việc vất vả vậy. Nói tới chuyện thực phẩm của thời bấy giờ cũng là chuyện xa xỉ rồi. Tết năm ấy trôi qua nhanh chóng, anh em chúng tôi trở lại trường cho học kỳ mới.

Monday, April 21, 2008

Năm tháng tuổi thơ tôi (37,38)

37.

Học kỳ một trôi qua, anh ba tôi xếp hạng ba với cái gọi là học sinh giỏi, thông minh của lớp. Tôi được xếp hạng khá. Còn anh Hai được trung bình khá. Cha tôi mừng lắm thưởng cho anh em chúng tôi một xuất đi xem văn nghệ nhân có đoàn văn công về biểu diễn ngoài xã.

Anh em chúng tôi mừng lắm, tắm rửa, cơm nước xong từ năm giờ chiều rồi chuẩn bị những bó đuốc lá dừa để đi xem văn nghệ. Từ nhà tôi ra xã đến hơn năm cây số đường làng với biết bao cầu khỉ phải băng qua, cho nên cả nhà tôi phải đi thật sớm. Những bó lá dừa cũng chỉ để dự phòng làm đuốc soi đường cho chuyến trở về mà thôi. Dạo đó, cả cái xã Tân Thuận Đông nơi tôi sống người ta nghe có Đoàn Văn Công về biểu diễn thì mừng lắm, họ kéo nhau đi xem nhiều vô kể. Những người sành điệu về cải lương thì còn bàn tán với nhau về kép nào, đào nào nhập vai gì trong vở diễn tối đó nữa…. vui như hội. Theo dòng người băng qua những cây cầu khỉ, đến một cái sân rất rộng mà Cha tôi bảo đây là Ủy ban xã Tân Thuận Đông. Lần đầu tiên chúng tôi mới ra ngoài khu vực chợ Nha Mân này, thấy mấy đứa con nít ngoài chợ lanh lẹ và lém lắm… trong lòng cũng có phần e ngại cho cái gọi là “ma lanh” của đám con nít nơi đây. Chúng lấn anh em chúng tôi về phía sau dù chúng đến muộn. Cha tôi đi đâu đó trở lại trãi ra nền đất một tấm chiếu manh để anh em chúng tôi cùng ngồi. Ăn mấy bịt mía lóng đã róc sẳn mà chờ xem cái tuồng có tên gọi “Khách sạn Hào Hoa”. Một vở tuồng lần đầu tiên trong đời tôi được xem trực tiếp, nên tôi có ấn tượng về nó vô cùng dù là nó hay, hay nó dỡ. Vở diễn bắt đầu… Tôi không nhớ hết nội dung, câu chuyện, chỉ biết rằng đó là một tuồng cải lương mà mỗi khi xuống xề được khán giả xuýt xoa, vỗ tay dữ lắm. Đêm diễn kết thúc, ấn tượng còn lại trong tôi về vở diễn này cho đến tận bây giờ đó là câu thoại của một vai sĩ quan chế độ Cộng Hòa: “Con me Mỹ đây rồi”….được lặp đi lặp lại nhiều lần nên dễ nhớ. Văn hóa văn nghệ thời đó là vậy. Giải trí chỉ là những gì liên quan đến chiến tranh, hậu chiến tranh… dành cho nhiều lứa tuổi.

Khi tan hát, mọi người chen lấn ra về với cái cổng soát vé bé tí…rồi nhanh chóng đám người cũng tan ra. Những bó đuốt sáng rực tạo thành một con đường dài dọc theo hai bên bờ sông thật đẹp. Tôi ấn tượng với cảnh tượng này. Nó như một đàn đom đóm đang di chyển lập lòe dưới dòng sông đen mịt mùng của đêm tối. Một lúc sau, những bó đuốc cháy rụi, bóng đêm không đèn lại trả lại cho bóng đêm. Trên con đường đất mòn lâu ngày, nổi lên những chiếc rễ cau già. Bám vào những chiếc rễ cau ấy là những chấm sáng tạo thành vệt như bức tranh vẽ bằng màu dạ quang, óng ánh trên những con đường. Tôi hỏi Cha tôi đó là cái gì vậy? Cha tôi giải thích cho anh em chúng tôi biết, đó là nấm sáng. Thật kỳ lạ với những chiếc nấm có thể phát sáng về đêm. Nó lung linh và huyền ảo vô cùng…như ta đang đi trong khu vườn đêm cổ tích vậy. Anh em chúng tôi hái một ít nấm dưới lòng đường bỏ vào lòng bàn tay đem về để chơi. Vì ở trong khu nhà tôi sống không có mọc loại nấm này. Nó chỉ sống nhờ vào những chiếc rễ cau già, những con đường đất bị mòn nhẵn mà thôi. Những chiếc nấm sáng tạo cho con đường về nhà nhanh chóng được thu hẹp lại. Và đó như là một hình ảnh cổ tích đẹp trong sự khám phá vùng miền sông nước trong tôi.

Photobucket

38.

Đàn gà nhà tôi đã lớn, chúng tách đàn tự kiếm ăn riêng. Cơn gió lạnh mang theo nhiều hơi nước ập về. Hình như mùa xuân đã đến gần với năm đầu tiên của anh em chúng tôi ở miền Tây Nam Bộ này. Cái lạnh… mang theo dịch cúm tràn vào đàn gà nhà tôi…những con gà bắt đầu ủ rũ, rục rịch co cổ lại trong không khí se lạnh… Chúng bị nhiễm cúm? Cúm gia cầm, H5N1 chăng? Có lẽ là vậy, nhưng hồi đó có ai phân tích bệnh dịch này đâu nào. Mỗi khi có con gà nào trong đàn rù rù chảy nước mũi, là ngay lập tức được đưa vào nồi nấu chín trước khi nó ngã gục. Chúng tôi bắt đầu tập làm quen với sát sanh ngay từ khi còn nhỏ. Anh Hai bày cho các em cách cắt cổ gà: Chân đạp lên đùi kềm hãm sự vùng vẫy, tay trái cầm chặt cánh tréo ra sau lưng, tay phải cầm dao, bẻ đầu chỉa mõ lên trời, tìm cọng gân dưới cổ đã vặt sạch lông, rồi cứa….Máu tuông ra, bắn tung tóe lên nền đất, số còn lại chảy vào cái tô sành hứng bên dưới để tận dụng làm huyết. …Con gà bị kềm chặt ngọ ngậy, giẫy dụa … im lìm lặng lẽ… kết thúc. Lúc đầu tôi rất sợ cái hình ảnh máu tuông ra từ chiếc cổ dưới cái dao được liếc đến bén ngót, nhưng về sau chúng tôi cũng phải làm quen dần trong cái đời sống thôn giã này. Việc cắt cổ gà, “sát sanh” đôi khi thấy ghiền vì mỗi lúc một quen dần với công việc này.

Photobucket

Thật sự mà nói, hồi đó chúng tôi mong gà bị cúm lắm. Vì như vậy chúng tôi mới có cơ hội làm công việc “sát sanh”. Có cơ hội ăn thịt gà, dù là gà bị bệnh dịch. Nhưng thực phẩm thời đó bắt đầu khó khăn cho nên có nghe ai cảnh báo về chuyện độc hại và nguy hiểm của mấy con gà “H5N1” này đâu nào. Bây giờ cuộc sống khá dần lên, văn minh tràn ngập các ngỏ miền, ai cũng sợ con cái mình xem nhựng bộ phim bạo lực. Thế nhưng chỉ cách đây không lâu có những đứa trẻ như tôi xem chuyện cắt cổ gà túa máu cũng là chuyện bình thường trong đời sống tự vận động. Chúng phải biết tự lập trong mọi hoàn cảnh, dù là những hoàn cảnh “bạo lực” không đáng có như thế này.

Mùa xuân đến, cũng là lúc tất cả đàn gà nhà tôi không còn một con nào sau trận dịch cúm năm ấy. Miền quê vui dần lên với không khí nhà nhà cắt lá chuối, xay bột làm bánh tráng. Bà Cố cùng bà Ba ung khói tráng bánh bên ngoài hiên sau cái trại mộc của ông Cố tôi. Chúng tôi đi học về là chạy ngay ra phụ khiêng mấy cái dề phơi bánh tráng… vui lắm. Rồi thì những người lối xóm sang chơi phụ gói bánh tét bập bùng dưới những ngọn lửa đêm ấm áp vô cùng. Cái không khí nấu bánh tét về đêm thật là kỳ lạ trong tâm thức tôi. Thật khó diễn tả khi ngồi bên bếp lửa cùng cái se lạnh cuối năm, nó kỳ diệu vô cùng… Nó rất miền quê, nó rất ấm cúng theo kiểu chòm xóm và cũng rất đặc trưng cho cái gọi là bà con, chòm xóm miền sông nước Nam Bộ. Về sau, có một năm Sài Gòn Tourist cùng Ùy Ban Nhân Dân Thành Phố phối họp tổ chức chương trình lễ hội rước bánh Tét vào dịp Tết Nguyên Đán, có mời tôi tham gia làm đạo diễn. Nhưng tôi cảm thấy quan điểm, suy nghĩ có vẻ chẳng mấy hợp nhau, họ quan tâm lễ hội bánh tét thật “hoành tráng”, thiếu mộc mạc, đơn giãn…bình dị… Sau cuộc họp chung với ban tổ chức, cảm thấy tiếng nói chung không thống nhất, tôi quyết định tặng lại kịch bản cho họ rồi nói lời chia tay với lễ hội này, dù rằng tôi yêu thích cái bánh Tét này vô cùng. Ở đó không chỉ có ẩm thực, có lễ hội mà nó còn là linh hồn, là tình cảm mà tôi luôn nhớ về cội nguồn của mình, nhớ tới bà Cố của tôi… nhớ tới một thời tuổi thơ tôi nương náu.

Photobucket

Cái Tết đầu tiên xa đô thị này đối với Cha tôi là một thay đổi lớn trong cuộc sống quen thuộc của ông. Ông muốn trở lại Sài Gòn để thăm ông Nội của tôi…. Vậy là mọi việc thu xếp cho mùa tết đâu đó xong xuôi, ông chia tay Cố trở lại Sài Gòn.

Sunday, April 20, 2008

Năm tháng tuổi thơ tôi (35,36)

35.

Lại nói chuyện về đời sống kinh tế của gia đình tôi thời đó. Không biết Cha tôi đã lấy được quyền công dân chưa, chỉ biết rằng ông xin vào dạy trường cấp ba ngoài chợ Nha Mân không được. Ông tự hạ mình xuống xin dạy trường cấp hai, trường cũng không cần người….Cha tôi loay hoay mãi vẫn chưa tìm ra nơi để đi dạy trở lại, ông đành phải tạm đi làm ruộng thuê cho ai đó trong cái xã này. Khổ nỗi ông chẳng biết một tí gì về nghề nông. Ông có thể cầm phấn, cầm bút suốt hằng giờ, chứ việc cầm hái cắt lúa dù chỉ vài giờ cũng là sự xa lạ với ông lắm rồi. Ấy vậy rồi ông còn phải dậy rất sớm để theo mọi người ra đồng cắt lúa, về rất muộn khi không còn ánh sáng mặt trời. Chỉ vài ngày, ông có vẻ sạm đen và cũng giống những người vùng sông nước lắm.

Ông đọc nhiều sách nông nghiệp rồi nghiên cứu cách ủ nấm mèo. Ông mượn ông Cố một mảnh vườn nho nhỏ sau lưng nhà gỗ xanh nơi gia đình chúng tôi tá túc. Rồi thực hành cái nghề ủ nấm mèo theo công thức của những cuốn sách “bí quyết nghề nông”…Việc làm nấm mèo được bắt đầu từ những cây so đũa, đục rãnh cấy nem, giữ ẩm….Và những cái men này phải nhờ người quen mua từ thành phố gửi về. Nó được ủ trong mấy chai nước biển với cái màu đen xì pha lẫn trắng mốc.

Sau một tuần, nấm sinh sôi những cái tai mèo nho nhỏ màu nâu nhạt, trong ngần quanh những rãnh cây so đũa nhân tạo… Những cái tai mèo chưa kịp trưởng thành thì đùng một phát những cơn mưa ập xuống dỡ mái che giữ ẩm. Chưa kịp phục hồi lại mái che thì cái nắng gay gắt sau những cơn mưa dầm thiêu rụi những mầm non. Chúng co lại, chuyển màu xám xịt, đen thui…rồi chết. Khu vườn ủ nấm mèo giờ đây không còn rào bảo vệ sau những trận mưa lớn càn phá. Đàn gà trong sân ùa vào bới tung tìm thức ăn. Cha tôi im lặng ngồi nhìn chúng đang kiếm côn trùng sau những rãnh mục cây so đũa và tự hiểu rằng công việc thí nghiệm làm nấm mèo xem như tan thành mây khói. Lý thuyết trả lại cho lý thuyết còn thực hành là chuyện của thực hành … Nấm mèo đang bán tại các chợ vùng quê này tất cả đều từ thiên nhiên, từ những cây so đũa ẩm mục tự nhiên mà có.

Photobucket

Bà Cố thấy Cha tôi không biết làm nghề nông lại loay hoay với những công việc khám phá mới theo kiểu nghĩ “khoa học”…mà cái khoa học ở cái vùng miền này chỉ để làm trò cười cho thiên hạ mà thôi. Với họ sách vở là lý thuyết họ không quan tâm, họ chỉ cần thực tế và kinh nghiệm truyền miệng mà thôi. Trong những hoàn cảnh như cái vụ làm nấm mèo của Cha tôi thì họ hoàn toàn đúng. Họ không thích lý thuyết suông của sách vở. Bà Cố cho Cha tôi mượn một chiếc xuồng nhỏ, rồi chở bánh kẹo, văn phòng phẩm di động mà rao bán trên sông. Những ngày đầu, công việc này có vẻ suông sẻ, nó có thể trang trải chuyện ăn uống hằng ngày cho một gia đình. Nhưng càng về sau càng khó khăn bởi thời tiết, mưa gió miền sông nước. Xuồng nhỏ, mái che nhỏ, bánh kẹo, vật phẩm bị ướt theo những cơn mưa, lỗ lã bắt đầu xảy ra, đêm nào ông về đến nhà cũng khuya cả. Con cái trong nhà chẳng ai chăm, chẳng ai giáo dục, chẳng ai kiểm tra bài vở của chúng. Chúng tự quản lấy nhau, tự học, tự phân công công việc trong nhà. Dầm mưa, dãi nắng của một cơ thể chưa thích nghi nhiều với cái ẩm của sông nước, cha tôi ngã bệnh nặng. Bà cố cắt lá xã, và ổi nấu cho Cha tôi một nồi xông. Cảm nặng kéo dài, Cha tôi phải tạm ngưng cái nghề bán văn hóa phẩm dạo trên sông. Nhà không có người lao động, gia đình tôi gặp ít nhiều khó khăn.

Đã bao tháng trôi qua cùng căn nhà gỗ xanh bên dòng sông Nha Mân này? Chúng tôi bắt đầu hiểu được sự khó khăn của người lớn. Chúng tôi cũng đang trôi theo cái gọi là cái dòng xoay của thời cuộc, của kinh tế mới, của hồi hương, của quyền công dân của một con người sau cải tạo, của tri thức, của bần cố nông, của năm tháng nhanh chóng lão hóa tuổi thơ tôi. Chúng tôi biết suy tư, biết buồn, biết âu sầu trong những ngày khó khăn dần diễn ra phía trước. Những đổi thay về mặt tinh thần đã xuất hiện trong đời sống gia đình tôi. Chúng tôi không còn cái cảm giác ông già Noel chui xuống nhà từ ban công, hay từ ô cửa sổ mà ban phát quà cho bọn trẻ. Chúng tôi nghe tiếng la rầy của người lớn nhiều hơn. Chúng tôi bắt đầu hình thành khoảng cách với Cha tôi vòi sự sợ hãi trong những cơn buồn bực của ông.

Tay ông đã chai bởi không còn cầm viết và phấn nữa mà thay vào đó là lưỡi liềm, dầm chèo, cuốc xẽng…. Cuộc sống đang trôi qua… dòng sông đang trôi qua… mang theo nhiều rác lục bình.

36.

Ông Út là em ông Nội tôi. Theo vai vế Cha tôi phải gọi bằng chú nhưng tuổi tác lại bằng nhau, nên hai người có vẻ thân nhau lắm. Một hôm ông từ Bảy Ngàn (thuộc tỉnh Hậu Giang) về thăm ông Cố. Thấy Cha tôi đang gặp quá nhiều khó khăn trong giai đoạn này. Ông chỉ dạy cho Cha tôi cách làm kẹo kéo để bán ở những khu trường học gọi là để kiếm cơm qua ngày.

Vậy là Cha tôi có thêm cái nghề bán kẹo kéo. Công việc được bắt đầu như thế này, ông Út đóng một cây đinh thật to, lên cột cái giữa nhà. Sau đó thắn đường… đem đi quệt thành kẹo trên cây đinh đó. Có khi đường thắn bị già quá công đoạn kéo sợi chuyển màu thật khó khăn…Anh em tôi cùng phụ làm công việc này phải đu người tòn ten để cho việc quệt đường thành kẹo mau chóng thành công. Sau khi quệt kẹo xong nó chuyển từ vàng sang trắng tinh, lúc này tới công đoạn cán mỏng bỏ đậu phộng vào giữa quấn lại, bôi dầu phộng bên ngoài để chóng bị dính, rồi đem đi bán.

Để thu hút việc ăn kẹo kéo chơi xổ số, ông Út chế cái bánh xe quay số từ 1 đến 10 kêu tạch tạch rất hay. Rồi kèm theo những món quà trúng thưởng để thu hút bọn trẻ. Và kể từ đó công việc này như một kế sinh nhai không thể thiếu trong cuộc sống gia đình tôi. Anh em chúng tôi mỗi tối phụ Cha tôi rang đậu phộng, chà bỏ lớp vỏ bên ngoài, lựa những hạt còn nguyên lọc sang một bên để làm nhân của kẹo. Tôi yêu thích công việc này lắm, nó vừa thơm, vừa có thể bóc lũm thay cho những món ăn vặt của trẻ con. Tiếng quệt kẹo như một thông lệ đã xuất hiện trong ngôi nhà của tôi vào mỗi sáng. Khi chúng tôi còn ngái ngủ, Cha tôi đã lên đường… và rồi đến tận tối khuya ông mới về mang về một ký đường chảy, vài trăm gram đậu… công việc lại bắt đầu như mọi ngày chẳng biến chuyển.

Tôi biết Cha tôi bán kẹo kéo, nhưng thì ngôi trường chúng tôi học chẳng bao giờ xuất hiện bóng dáng của ông. Thỉnh thoảng có một xe kẹo kéo lạ ghé qua thì việc bọn trẻ túa ra quay số trúng thưởng nhiều vô kể. Trong khi thỉnh thoảng tôi có nghe thấy Cha tôi than phiền với Cố về cái tình hình khó khăn của ông, rằng ông không biết cách rao hàng sao cho thu hút bọn trẻ, rằng ông không biết mua quà đổi trúng thưởng sao cho tâm lý con nít…. Tôi bảo trường con mấy đứa nhỏ nó thích mấy cái đồ chơi này lắm sao Cha không ghé sang đó mà bán…ông ừ ừ rồi cũng chẳng bao giờ nhận thấy bóng dáng của ông xuất hiện ở ngôi trường này. Về sau khi lớn, tôi mới hiểu ra rằng ông muốn giữ một chút gì đó cho chúng tôi, cho hình ảnh về Cha nó với đám bạn trong trường của nó. Cái công việc ấy kéo dài một thời gian cũng đủ để nuôi lớn chúng tôi qua một học kỳ của năm học mới.

Vậy đó, một nhà giáo, một người học tập cải tạo trở về, một gia đình… theo năm tháng đã nhanh chóng đổi thay. Cha tôi không có thì giờ kiểm tra bài vở của chúng tôi ở lớp như thế nào không biết bảng xếp hạng học tập của chúng tôi rồi sẽ ra sao nữa.

Friday, April 18, 2008

Năm tháng tuổi thơ tôi (33,34)

33.

Năm học mới của anh em chúng tôi là những bộ quần áo cũ sử dụng lại của năm học trước nên chúng trông cũng còn trắng và sạch sẽ lắm. Anh em chúng tôi tự lau chùi những đôi xăng đan cho riêng mình. Anh hai vào lớp 5 học buổi chiều, tôi và anh Ba học buổi sáng ở một cái trường cách Vàm Ông Đại một cây cầu sắt bên kia sông. Từ nhà tôi đến trường cũng phải trên dưới hai, đến ba cây số gì đó. Ngày đầu tiên đến trường Cha tôi chở hai anh em chúng tôi đến nhận lớp bằng xe đạp. Xe đạp đi trên con đường gồ ghề chen lẫn đất và đá xanh to đôi khi làm bật lớp xe trợt bánh rất nguy hiểm. Hai anh em ngồi ghì chặt sau lưng Cha tôi sợ té ngã bởi con đường gập gềnh, lõm chõm nơi đây. Nhận lớp … gặp biết bao ánh mắt xa lạ đang theo dõi một thằng học sinh mới. Tôi chậm rãi chào thầy phụ trách, rồi tôi được thầy phân công ngồi ở đầu bàn. Lớp tôi có khoảng gần bốn mươi học sinh gì đó… chật chội lắm. Ngày khai giảng năm học cũng đơn sơ vô cùng, nó không gây cho tôi một ấn tượng mạnh mẽ nào.

Ở miền sông nước xa xôi và lạc hậu này, những đứa trẻ nào là đội viên đeo cái khăn đỏ cá lia thia thì ngay lập tức bị đám con nít trong trường bu vào trêu chọc. Những đội viên tiên tiến ấy của nhà trường đôi khi thấy bị cô lập đến đáng sợ. Mỗi khi tan trường chúng nhanh chóng cởi bỏ cái khăn quàng đỏ trên vay, rồi cho ngay vào cặp để dễ dàng hòa nhập cùng cộng đồng. Nhờ vào sự phân biệt, cách nhìn khác của bọn trẻ miền quê, ước mơ vào đội của tôi dần tan biến. Vả lại vào đội ở cái vùng xa xôi này chẳng được sinh hoạt ca hát, chẳng được học đánh trống đội, chẳng được cho đèn lồng Trung Thu. Công việc duy nhất của đội viên ở đây là kéo cờ vào mỗi sáng thứ hai mà thôi. Lại còn bị bọn học sinh bè hội đồng trêu chọc. Vậy thì vào đội để làm gì? Tôi thiết nghĩ vậy rồi dần cảm thấy việc vào đội không còn là niềm mơ ước to lớn nữa.

Những ngày cuối hè, đâu đó còn rền vang những tiếng ve cuối cùng tạo cho ta một cảm giác vô cùng thích thú. Nó thật hoành tráng như một dàn đồng ca vậy. Tiếng rền, rồi lĩnh xướng rồi ngân nga…. Thật ấn tượng trên những con đường đến trường. Rồi chúng tôi vẫn chưa thể hòa nhập với môi trường mới này khi những cơn mưa ập đến.

Những cơn mưa mang theo nhiều nước thường để lại sự trơn trợt trên những con đường đất bị chai gồ bóng loáng lên cùng năm tháng. Những cái gồ trơn bóng ấy rất dễ té ngã nếu có một cơn mưa đi qua. Vả lại thời gian đầu anh em chúng tôi còn mang dép đến trường theo thói quen đô thị. Cho nên sau mỗi cơn mưa anh em chúng tôi luôn bị làm trò cười cho đám con nít chung trường đi chân đất. Chúng cười ầm lên mỗi khi anh em chúng tôi bị “chộp ếch” (trơn té xuống những vũng sình lầy) liên tục. thường mỗi khi bị “chộp ếch” như vậy để lại hậu quả khó lường cho một thân hình bẩn thỉu và lem luốt bởi bùn sình. Có khi chúng tôi phải bỏ học vì “chộp ếch” quá nhiều. Bị đám con nít cùng đi bộ đến trường cười nhạo báng mỗi ngày, anh em chúng tôi quyết định thôi không mang dép để đi học nữa. Và có lẽ mọi thứ khá dần lên khi anh em chúng tôi đến trường bằng chân đất.

Con đường đến trường của tôi không giống như những bài thơ, ca khúc… nào là “Hoa điệp vàng trãi dưới chân tôi….” Hay tôi “thầm hỏi đường về trường Ôi! sao lạ quá…”. Nó không có hoa, nó không có lạ mà là quá xa lạ. Nó thật trơn trợt dễ té sau những cơn mưa, nó có nhiều cây me già ong vò vẽ làm tổ to đùng trên đó. Đã vậy cái bài học tập đọc lớp hai hồi đó có bài giảng về chiến công đánh giặc Mỹ bằng tổ ong vò vẽ, cảnh đốt lính Mỹ, cảnh lính Mỹ bị ong rược đuổi sa xuống hố chông…. Từng thứ ấy khiến mỗi khi đi ngang những chiếc tổ ong to tướng chúng tôi sợ mắc khiếp. Và tôi càng sợ học thuộc lòng về cái bài học ong vò vẽ đánh giặc Mỹ nữa là.

Photobucket

Đám con nít miền sông nước Nam Bộ cũng nghịch lắm, chúng chế ra cái ná bắn đất vo viên. Mỗi khi đi học về chúng lấy ná bắn me để ăn. Chúng tôi sợ lắm… biết đâu nhở nó không trúng vào những trái me mà lại bay thẳng vào tổ vò vẽ thì biết làm thế nào. Nhưng bên ngoài cũng không dám biểu lộ ra mặt cái nỗi sợ hãi ấy, vì nếu như vậy chỉ khiến tăng thêm sự chọc ghẹo và ăn hiếp của nhóm hội đồng trẻ con đối với anh em tôi mà thôi.

Một hôm, sau bài học ong vò vẽ đánh giặc Mỹ, trên đường về, bọn con nít chuyển sang trò thi nhau bắn trúng tổ ong xem có giống trong sách tập đọc không. Tổ ong vò vẽ bị chấn động, nó bay ra rất nhiều, anh em chúng tôi cùng bọn chúng co cẳng mà chạy. Đứa nào chạy chậm bị chúng dí mà đốt. Cả đám bị vấp ngã trên những con đường pha trộn giữa đất và đá xanh trãi đường, toẹt cả máu….Có đứa sợ quá nhảy cả xuống sông người ướt sũng. Một trò chơi … chẳng khác gì những bài đã học được ở nhà trường. Nhưng nó không đốt giặc Mỹ mà là đốt …tuổi thơ tôi.

Sau những câu chuyện ấy, anh Hai bày cho chúng tôi cách quá giang xuồng để đi học, để tránh gặp mấy thằng “cô hồn” bên chợ Vàm. Cách này cũng hay nhưng không an toàn lắm cho chuyện đến lớp đúng giờ. Đại loại bạn sẽ phải ra một chiếc cầu dài chồm ra sông để người đi trên sông có thể nhìn thấy bạn từ xa. Sau đó bạn phải gọi lớn: “Cô ơi!…cho cháu quá giang với”. Nếu ai đang rỗi thì họ cho quá giang. Nếu ai đang chở nặng ngược dòng, đi luôn thì đành chịu mà chờ chuyến khác. Nếu họ cho quá giang thì khi xuống xuồng ngồi mũi, phụ họ lấy dầm mà bơi mũi. Tuy nhiên lâu lâu mới thấy một chiếc xuồng cắt ngang dòng sông nhỏ hoặc cơn nước có xuôi chiều để họ cho mình quá giang hay không. Tuy nhiên người Miền tây thì rất tốt bụng, đa số thấy trẻ con đi học đều cho quá giang cả. cách đi học này chỉ thích nghi với anh em chúng tôi, còn bọn trẻ ở đây chúng thích đi bộ để có bạn mà chơi những trò nghịch phá klhác, vui hơn.

Cũng từ cái vùng quê nghèo khó lạc hậu này đã cho tôi biết cách chế biến mực tím để sử dụng cùng ngòi bút lá tre. Dạo đó học sinh đến trường phải kè kè cái lọ mực ở ngón tay trỏ. Vào đến lớp viết bài bằng những cái bút lá tre. Mực viên thì ở những nơi tạp hóa có bán, mua về tự pha chế bằng nước sôi đun chín ít nhiều, đậm nhạt là tùy theo sở thích của người sử dụng nó. Sau này tôi học lóm được của bọn trẻ con nơi đây lấy trái tím mồng tơi dầm ra, lọc sạch lấy nước, sau đó đem phơi nắng cho đặc xuống rồi chấm mực mà viết. Màu rất tươi và thơm lắm… Bây giờ cuộc sống tiên tiến đã đẩy lùi sự lạc hậu. Tuy nhiên lọ mực, viết lá tre bình bầu phễu để trữ mực, những hạt mực tím, những trái mồng tơi….Thiết nghĩ đó là một phần ký ức đẹp trong năm tháng tuổi thơ tôi.

Photobucket

34.

Chuyện tiếp xúc với đời sống văn minh đô thị ở miền quê nghèo khó thì thật là xa xỉ. Chúng tôi mong đợi tối thứ bảy đến từng ngày, vì như vậy chúng tôi được sang nhà ông hai Ai Kai xem ti vi. Dạo đó cả cái vùng miền này chỉ duy nhất có một mình ông là có ti vi trắng đen khoảng 14 ich gì đó. Cứ đến thứ bảy ông trãi chiếu ra sân cho bà con chòm xóm đến xem ngồi lớp lớp bên dưới. Còn ông thì căng cái võng chéo nằm vắt người đong đưa, mắt lim dim nhổ nhổ mấy cái râu càm trông khoái chí lắm…. Ông hay tự hào là mình có thể chế cái ăng ten cao để xem được đài thành phố, rồi khoe cái máy phát điện chạy ầm ầm đôi khi át mất cả tiếng của các nghệ sĩ cải lương trong tivi. Ông có vẻ huênh hoang nhưng thì ông rất tốt bụng với mọi người. Mỗi thứ bảy ti vi có chương trình cải lương. Tuồng tích hồi đó tôi cũng chẳng nhớ rõ chỉ biết rằng mình xem vì đó là phong trào giải trí chung của cả cái vùng hẻo lánh này. Đi xem là vì hội hè vui mà thôi. May là nhà Cố tôi giáp đất với nhà của ông nên mỗi tối thứ bảy anh em chúng tôi chỉ có đi sang một con mương là tới. Dạo đó nhà tôi cũng có Tivi trắng đen được chở trong chuyến hồi hương từ Sài gòn về, nhưng muốn xem được phải biết chế ăng ten theo kiểu miền quê này. Vả lại cũng tốn kém cho một lần xem lắm vì phải mua dầu, mua máy cu-le tạo nguồn điện…. Tóm lại đi xem ké là một giải pháp vô cùng hợp lý trong hoàn cảnh này. Và rồi cái ti vi nhà tôi chỉ để “làm lờ nuôi tôm” theo kiểu đùa của mọi người miền quê mà thôi.

Photobucket

Chuyện học, chuyện chơi là vậy… Còn kinh tế gia đình thì sao? Khi mà chân ướt, chân ráo của một nhà giáo bước vào cái vùng sông nước này. Nơi của những con người chỉ biết lao động tay chân?